Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố triển khai nhiệm vụ PCTT và TKCN trên địa bàn thành phố
Dự báo, năm 2024 tình hình thiên tai diễn biến cực đoan, dị thường. Với tinh thần “Hành động sớm – Chủ động trước thiên tai”, Thàh phố đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó với từng loại hình thiên tai và cấp độ thiên tai có thể xảy ra, nhất là bão, lũ, sạt lở đất. Thành phố có nhiều điểm xung yếu, trũng thấp đe dọa đến hàng nghìn hộ dân khi có bão, lũ, nhất là xóm Lân xã Tịnh Long, thôn Ân Phú xã Tịnh An và 4 xã ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Nghĩa An, Nghĩa Phú.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, Thành phố đã chủ động các kịch bản sẵn sàng sơ tán, di dời gần 4 nghìn hộ với gần 14 nghìn nhân khẩu đến nơi an toàn. Các địa phương đã sẵn sàng các công trình như: trường học, nhà nghỉ, khách sạn, y tế, nhà tránh bão cộng đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở an toàn đảm bảo di dời xen ghép; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng ít nhất từ 7 – 10 ngày khi có bão, lũ. Đối với phương án di dời dân.
Cùng với đó, khai thác hai cảng biển của địa phương và kết nối với các cảng biển trong tỉnh nhằm đảm bảo cho hơn 2.500 phương tiện tàu thuyền neo đậu tránh bão.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương tiện đánh bắt trên biển. Khi có thông báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới, các lực lượng sẽ thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để họ chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất.
Thành phố sẽ thành lập 2 Tiểu ban tiền phương ứng phó với thiên tai tại UBND xã Tịnh Khê và UBND xã Nghĩa Phú. Lên phương án xây kè chống tràn cho trung tâm thành phố, dự kiến 4 khu vực có địa hình cao, nước lũ khó dâng đến để tập kết ô tô cá nhân khi trung tâm thành phố ngập sâu; tổ chức rà soát, nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn; hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư trong khu vực và không để khu vực trung tâm Thành phố xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ hoặc diện rộng kéo dài. Trước mùa mưa bão.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy thành phố Nguyễn Lâm đề nghị các xã, phường tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ"; đặc biệt lưu tâm đến việc cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai, sự cố hằng năm, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, phương án phòng chống úng ngập nội thành, ngoại thành, chủ động kế hoạch hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia... Tiếp tục rà soát, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, phường đây là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống về phòng chống thiên tai ngay tại cơ sở; đồng thời, rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “bốn tại chỗ” để úng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ ngập lụt để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho Nhân dân được biết, để phòng tránh.
Hy vọng rằng, với tinh thần “Hành động sớm – Chủ động trước thiên tai” của thành phố và việc vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố năm 2024 sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Văn Đạo