Vốn tín dụng chính sách góp sức giảm nghèo
Gia đình chị Nuyễn Thị Nhiều ở tổ dân phố 4, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi thuộc diện khó khăn. Trước khó khăn của gia đình chị, Hội Phụ nữ phường đã giúp chị tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng chính sách. Từ 50 triệu đồng vay từ ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, chị đầu tư làm bò khô. Nhờ sản phẩm chất lượng, sản phẩm bò khô của chị Nhiều ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng, giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.
Cũng như gia đình chị Nhiều, chị Triển, hàng xóm chị Nhiều cũng vươn lên nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách. Từ 50 triệu đồng vay của ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, chị Triển đã đầu tư làm vốn để làm nghề kết mâm quả cưới hỏi và bán ăn sáng. Nhờ chịu thương chịu khó chăm chỉ làm ăn đã giúp gia đình chị Triển vượt qua khó khăn. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, những năm qua, rất nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Những đồng vốn chính sách đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay, ngân hàng triển khai 12 chương trình cho vay ưu đãi; nổi bật như: Cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; … Sự đa dạng ở các chương trình cho vay giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính sách.
Với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành một điểm sáng, một trong những trụ cột trong hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của thành phố nhiều năm qua. Nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách và vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay trên địa bàn TP. Quảng Ngãi đạt hơn 148,5 tỷ đồng, với 4.016 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/9/2024 đạt hơn 555,5 tỷ đồng, với hơn 17,7 nghìn hộ, tăng hơn 33,8 tỷ đồng so với năm 2023 và tăng hơn 4,7 tỷ đồng so với quý III, tỷ lệ tăng trưởng đạt gần 6,5% so với năm 2023.
Cùng với đa dạng các chương trình cho vay, các điểm giao dịch của ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh còn được đặt ở từng xã, phường. Hoạt động của điểm giao dịch cấp xã, phường đã góp phần đưa vốn về tận cơ sở, giảm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong hoạt động tín dụng cơ sở; hầu hết các hoạt động như: Thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn... đều được thực hiện tại điểm giao dịch xã, phường.
Bên cạnh đó, ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh còn thực hiện tốt phương thức ủy thác với 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Các hội, đoàn thể đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng cơ sở, cùng ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay tại cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn việc sử dụng đồng vốn cho người vay; phối hợp trong việc chỉ đạo hoạt động của đội ngũ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, chất lượng ủy thác không ngừng được nâng lên, đồng vốn đã được chuyển kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, giúp hộ nghèo tạo sinh kế ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Văn Đạo