Thành phố Quảng Ngãi “Hành động sớm – Chủ động trước thiên tai”
Theo thống kê, năm 2023 TP. Quảng Ngãi chịu thiệt hại gần 7 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Nhờ chủ động kịp thời các kịch bản ứng phó từ thành phố đến cơ sở nên thành phố đã giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Trước thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường, năm 2024 với tinh thần “Hành động sớm – Chủ động trước thiên tai”, TP. Quảng Ngãi xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn thành phố, nhất là mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất.
Thành phố thành lập 2 Tiểu ban tiền phương đặt tại UBND xã Tịnh Khê và UBND xã Nghĩa Phú; sẵn sàng các công trình như; trường học, nhà nghỉ, khách sạn, y tế, nhà tránh bão cộng đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng đảm bảo an toàn sơ tán trên 61 nghìn người khi có thiên tai.
Chú trọng sơ tán dân ở các vùng xung yếu, nguy cơ ngập sâu, nhất là xóm Lân xã Tịnh Long, thôn Ân Phú xã Tịnh An và 4 xã biển Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ và Tịnh Hoà. Khai thác 2 cảng biển Tịnh Hoà, Tịnh Kỳ và kết nối một số cảng biển các địa phương ven biển của tỉnh nhằm đảm bảo cho phương tiện tàu cá neo đậu tránh bão an toàn.
Thảo luận tại hội nghị, các phòng, ban, đơn vị thành phố và các địa phương đã đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương ven biển lên phương án di dời dân xen ghép ở các ngôi nhà an toàn và các công trình trường học. Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Trần Đình Trường chia sẻ phương án phòng ngừa, ứng phó với khu vực sông Trà Khúc và sông Bàu Giang khi mưa lớn kéo dài. Phương án được đánh giá là có khảo soát thực tế và mang thính khoa học, sát thực tiễn; phòng, ban chuyên môn thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phương án này để nhân dân biết và chủ động ứng phó khi mưa lớn kéo dài.
Kết luận hội nghị, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng đánh giá cao sự chuẩn bị của UBND thành phố, UBND các xã, phường và các phòng, ban liên quan đã chuẩn bị Kế hoạch ứng phó với sự cố thiên tai năm 2024.
Từ nay đến hết tháng 11 âm lịch, UBND thành phố, các phòng ban và các địa phương trong tất cả các nhiệm vụ thì nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, phải rà soát kỹ để bổ sung, hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và các địa phương trong tháng 9 này. Phương án phải cụ thể, sát với từng loại hình thiên tai và có tính khả thi cao. Xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động di dời dân khỏi vùng nguy cơ đến nơi an toàn.
Bí thư Thành uỷ Ngô Văn Trọng cũng đề nghị UBND thành phố, các phong ban và UBND các xã, phường có phương án xử lý sau bão hiệu quả; có phương án sắp xếp tàu thuyền ở các cảng cửa biển khi có bão xảy ra. Tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, tránh thiên tai; phòng, tránh thiên tai trước hết mỗi người dân tự phòng, tránh thiên tai trước sự theo dõi, đôn đốc của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Lưu ý UBND thành phố, các phòng, ban và các phường trung tâm có phương án ứng phó ngập tại trung tâm thành phố và sớm hoàn thiện phương án bổ sung các trạm bơm điều tiết để chống ngập tại khu vực phía nam thành phố khi có mưa lớn kéo dài. Các xã, phường phải thực hiện nạo vét hệ thống cống rãnh, khơi thông kênh mương để chống ngập khi có mưa lớn kéo dài.
Bí thư Thành uỷ Ngô Văn Trọng đề nghị lấy Tịnh Kỳ làm địa bàn Trung tâm đảm bảm đủ điều kiện tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với các tàu thuyền bị sự cố trong quá trình di chuyển vào bờ, đồng thời bổ sung vào phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố; Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố thường xuyên tổng kết dữ liệu và đưa vào kho dữ liệu phòng, chống thiên tai thành phố. Đây là công nghệ chống bão lũ, ngập úng của thành phố.
Hữu Danh