Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Kết quả sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

13/07/2020 11:10    185

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 54), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt, góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS, tiến tới xóa bỏ dần những định kiến, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS, động viên và giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.

Hàng năm, Ban phòng, chống HIV/AIDS thành phố và xã, phường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; Tháng Chiến dịch truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động phòng, chống ma túy; phát động thực hiện Cuộc vận động “3 tự” để thấy rõ được trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành cùng chung tay hỗ trợ và giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS có điều kiện, cơ hội hoà nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Ngành Y tế thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong lĩnh vực y tế, an toàn truyền máu, các dịch vụ xã hội và các bệnh lay lan qua đường tình dục; tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi thông tin, cung cấp kiến thức cho nhóm giáo dục đồng đẳng, cộng tác viên và tập huấn kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho các đối tượng có nguy cơ cao; phối hợp một số đoàn thể triển khai các hoạt động phòng lây nhiễm HIV trong các đối tượng ma túy, mại dâm, phạm nhân, tiếp viên nhà hàng, karaoke như cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su và hạn chế lây truyền từ các đối tượng này ra cộng đồng…

Các trường hợp mẹ bị nhiễm HIV khi mang thai đều được tư vấn khám thai và được cung cấp một số kiến thức cơ bản về công tác phòng ngừa lây nhiễm HIV, do vậy một số trường hợp sau khi sinh được các bà mẹ thực hiện tốt, kết quả 100% các trường hợp nhiễm sau khi sinh đều an toàn. Công tác quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây lan qua đường tình dục tại Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế thành phố và Trạm y tế xã, phường được tăng cường. Công tác chăm sóc những người HIV/AIDS cũng được tiến hành đa dạng, với nhiều hình thức như: tư vấn thường xuyên, lập hồ sơ theo dõi, khám sức khoẻ định kỳ, thường xuyên thăm hỏi và động viên và được theo dõi, chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế… Hiện nay, trên địa bàn Thành phố, số ca dương tính (đến ngày 20/02/2020) là 191 người (tăng 160 ca so với năm 2005), trong đó số bệnh nhân HIV: 124 người, số người  chuyển qua AIDS: 75 người, chết: 64 người, hiện có mặt tại địa phương: 50. Trong đó chủ yếu là nhóm tuổi từ 18 đến 27 tuổi, hầu hết nghề nghiệp không ổn định, đường lây chủ yếu là đường máu (thông qua tiêm chích ma túy) và đường tình dục. Ban phòng, chống HIV/AIDS thành phố đã phối hợp với cơ sở điều trị ARV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS và thực hiện các xét nghiệm (ARV, CD4, tải lượng vi rút) chi trả thông qua bảo hiểm y tế (BHYT), triển khai các biện pháp theo dõi duy trì điều trị; theo dõi và quản lý việc sử dụng hiệu quả thuốc ARV các nguồn cấp miễn phí và nguồn BHYT. 100% trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV/AIDS nghi ngờ nhiễm HIV được xét nghiệm chẩn đoán sớm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng, chống HIV/AIDS. Việc quản lý đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS còn thiếu chặt chẽ nên khả năng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng khó kiểm soát, một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thường lẩn tránh, khai không đúng địa chỉ, họ tên, di chuyển nhiều nơi, không tham gia điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát. Việc tuyên truyền vận động các nhóm đối tượng dễ bị cảm nhiễm với HIV như gái mại dâm, người nghiện ma túy, người có quan hệ đồng giới chưa được chú trọng. Chế độ hỗ trợ cho cán bộ tham gia phòng, chống HIV/AIDS chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất chưa được quan tâm đầu tư xây dựng nên bệnh nhân HIV/AIDS chưa có địa điểm sinh hoạt

Trong thời gian đến, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành phố tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và phổ biến nội dung Thông báo Kết luận số 27-TB/TW ngày 9/5/2011 và Chỉ thị 54-CT/TU ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn.

Trung Tiến