Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

TP Quảng Ngãi tích cực chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

26/10/2020 16:56    217

Trước nguy cơ bùng phát bệnh và diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm y tế thành phố và các đơn vị xã phường triển khai tích cực biện pháp phòng chống bệnh, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới.

Bác sỹ Lê Thị Bích Thu – Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Quảng Ngãi cho biết hiện tại bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, vì vậy dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh trên địa bàn, chỉ số côn trùng tăng cao trong mùa mưa. Đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố ghi nhận ở 23 xã, phường có 431 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, với 45 ổ dịch nhỏ. Trong đó, các phường có số ca mắc bệnh cao gồm: phường Chánh Lộ có 50 ca, Nghĩa Lộ có 52, Trương Quang Trọng có 41 ca. Trung tâm y tế thành phố đã tổ chức phun hóa chất chủ động phòng chống sốt xuất huyết tại 2 phường Nghĩa Chánh, Quảng Phú; phun hóa chất tại các ổ dịch Sốt xuất huyết. Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết và tổ chức 2 vòng chiến dịch diệt bọ gậy hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết trong tháng 6 năm 2020. Trung tâm y tế thành phố tổ chức khoanh vùng phun thuốc khử trùng ở các vùng dịch, chỉ đạo các trạm y tế xã phường hướng dẫn người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày và khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Bệnh viện đa khoa thành phố đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân.  Được biết, ngoài yếu tố thời tiết, nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng cao do người dân một số nơi chưa chủ động trong công tác phòng bệnh. Đặc biệt là việc diệt lăng quăng bọ gậy tại các khu dân cư chưa triệt để. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm y tế thành phố Quảng Ngãi khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, tập trung diệt lăng quăng bọ gậy. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để chủ động phòng chống dịch bệnh, tổ chức đợt phun hóa chất diệt muỗi tại nơi có người nhiễm bệnh. Bác sỹ Lê Thị Bích Thu – Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Quảng Ngãi cho biết “Hướng dẫn cho người dân biết cách phòng bệnh, biết cách xử lý các vật dụng phế thải. Hiện nay, môi trường các vật dụng phế thải, các dụng cụ chứa nước có rất nhiều bọ gậy, thời tiết nắng mưa như thế này thì thuận lợi cho bọ gậy, loăng quăng phát triển và khả năng bùng phát dịch rất lớn. Trung tâm y tế xử lý toàn bộ tất cả các ổ dịch triệt để và phun hóa chất khống chế ổ dịch không để lan rộng.”

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vác xin phòng bệnh, vì vậy người dân cần chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy là biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết. Hiện bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, cộng với thời tiết diễn biến bất lợi, các đợt nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Vì vậy, ngành y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và UBND xã phường triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, chủ động cắt đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng; tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức chủ động phòng chống bệnh bằng cách thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên tại nhà, dọn dẹp môi trường trong nhà và xung quanh, khi ngủ phải mắc mùng. Trung tâm Y tế thành phố cũng khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu sốt cao, mắt xung huyết, đau đầu, mỏi cơ... cần đến cơ sở y tế khám, làm xét nghiệm để được điều trị sớm. Khi bản thân hoặc gia đình có người mắc sốt xuất huyết cần báo ngay với y tế địa phương để cảnh báo, phun thuốc diệt muỗi, tránh bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.