Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Tình hình triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi

11/06/2021 13:57    276

Ngay sau khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, UBND thành phố Quảng Ngãi đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện như: Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 01/02/2009 về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2009 của thành phố, trong đó có nội dung triển khai, tuyên truyền Luật Nuôi con nuôi, Công văn số 1182/UBND ngày 22/4/2015 về việc thực hiện Công văn số 206/STP-HCTP ngày 14/4/2015 của Sở Tư pháp về hoàn thành kế hoạch đăng ký nuôi con nuôi thực tế, Công văn số 4585/UBND ngày 15/9/2020 về việc góp ý dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Công văn số 106/UBND-NC ngày 08/01/2021 về việc triển khai thực hiện Công văn số 3238/UBND ngày 08/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác giải quyết nuôi con nuôi trong tình hình mới.

Hàng năm, Chủ tịch UBND thành phố còn ban hành Quyết định thành lập Tổ kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, nuôi con nuôi và chứng thực, thực hiện kiểm tra công tác đăng ký nuôi con nuôi tại các xã, phường trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, chấn chỉnh những mặt hạn chế, tồn tại về chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong công tác đăng ký nuôi con nuôi. Đồng thời, UBND thành phố giao Phòng Tư pháp thành phố chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ nuôi con nuôi cho các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành được UBND thành phố chú trọng, triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức: tổ chức tuyên truyền Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và các văn bản liên quan đến công tác nuôi con nuôi trên sóng truyền thanh của thành phố, hệ thống truyền thanh xã, phường và Cổng thông tin điện tử của thành phố; tổ chức 02 Hội nghị triển khai Luật Nuôi con nuôi và các văn bản liên quan, cụ thể: 01 Hội nghị triển khai Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và các văn bản liên quan cho gần 200 cán bộ chủ chốt từ thành phố đến xã, phường; 01 Hội nghị triển khai Kế hoạch số 2687/KH-UBND ngày 13/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho gần 200 lượt đại biểu là công chức Tư pháp – Hộ tịch và cán bộ chủ chốt từ thành phố đến xã, phường.

Từ ngày 01/01/2011 đến ngày 01/4/2021 trên địa bàn thành phố thành phố đã thực hiện giải quyết đăng ký 45 trường hợp nuôi con nuôi, trong đó UBND  phường Trần Hưng Đạo giải quyết 06 trường hợp, phường Nghĩa Chánh 05 trường hợp, phường Trần Phú, xã  Tịnh Ấn Tây mỗi địa phương giải quyết 04 trường hợp; UBND phường Nguyễn Nghiêm và các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An mỗi địa phương 02 trường hợp; Phường Nghĩa Lộ, phường Lê Hồng Phong, xã Nghĩa Dũng, xã Tịnh Thiện, xã Tịnh Ấn Đông mỗi địa phương 01 trường hợp, riêng phường Quảng Phú đã giải quyết 13 trường hợp.

Có thể nói, trong những năm qua, công tác nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật về con nuôi và pháp luật liên quan, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em được sống, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trong môi trường gia đình. Các thủ tục hành chính liên quan đến nuôi con nuôi thường xuyên được rà soát, niêm yết công khai về thủ tục, hồ sơ, lệ phí tại trụ sở làm việc của Phòng Tư pháp thành phố, Trung tâm hành chính công thành phố và UBND các xã, phường để người dân thuận tiện tìm hiểu, thực hiện thủ tục.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác nuôi con nuôi  một số quy định của pháp luật về nuôi con nuôi chưa thực sự phù hợp với thực tiễn quản lý ở địa phương như sau:

- Tại khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn không quy định một người độc thân nhận nuôi con nuôi, sau đó kết hôn thì vợ hoặc chồng của họ có được quyền xác lập quan hệ nuôi con nuôi để trở thành mẹ hoặc cha nuôi của đứa trẻ được nhận nuôi như chồng hoặc vợ của người đó hay không. Điều này đã gây khó khăn cho công chức Tư pháp - Hộ tịch khi công dân có yêu cầu giải quyết vấn đề trên.

- Theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi thì người nhận con nuôi phải “có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về căn cứ xác định như thế nào là có điều kiện về kinh tế, chỗ ở, do vậy, nhiều trường hợp, công chức Tư pháp - Hộ tịch gặp lúng túng trong việc xác minh tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.

- Tại Khoản 3, Điều 14 Luật nuôi con nuôi quy định: “Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này” (điểm b, điểm c, Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định người nhận con nuôi phải có điều kiện: “b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”). Nhưng pháp luật lại không quy định rõ, vợ hoặc chồng của cô, cậu, dì, chú bác ruột nhận cháu làm con nuôi có được áp dụng quy định này hay không.

- Theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi: “Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi…” và Điều 26 Luật Hộ tịch: “Phạm vi thay đổi hộ tịch: 1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. 2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi” thì người nhận con nuôi có thể yêu cầu thay đổi họ, tên của con nuôi nhưng dân tộc của con nuôi thì không thuộc phạm vi được thay đổi.

Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây: a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình”. Như vậy, pháp luật dân sự chỉ quy định việc xác định lại dân tộc cho con nuôi từ dân tộc của cha, mẹ nuôi sang dân tộc của cha, mẹ đẻ mà không xác định dân tộc ngược lại từ dân tộc của cha, mẹ đẻ sang dân tộc của cha, mẹ nuôi. Quy định này chưa phù hợp với thực tế và không đảm bảo “giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con” theo quy định tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi.

- Điều 23 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng”. Tuy nhiên đối với trường hợp người nhận con nuôi có đăng ký thường trú tại địa phương nhưng thực tế lại sống ở nơi khác hoặc ngay sau khi đăng ký nuôi con nuôi thì họ chuyển đi cư trú ở địa phương khác thì UBND cấp xã nơi thường trú mới không thể biết mối quan hệ nuôi con nuôi để theo dõi, nhắc nhở cha mẹ nuôi việc thực hiện quy định này. Đồng thời, pháp luật hiện hành không quy định chế tài cụ thể trong việc xử lý đối với những trường hợp cha mẹ nuôi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thông báo tình hình phát triển của con nuôi.

- Khoản 5, Điều 27 Luật Nuôi con nuôi quy định về hệ quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi: “Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi”, tuy nhiên việc “lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi” được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào thì pháp luật hiện hành không quy định cụ thể.

Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được và kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong thời gian qua UBND thành phố đã có kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định cụ thể, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Nuôi Con nuôi;  sớm triển khai thực hiện việc số hóa, chuẩn hóa các dữ liệu hộ tịch (từ năm 2020 trở về trước) nói chung và dữ liệu về nuôi con nuôi nói riêng để các cơ quan đăng ký hộ tịch khai thác, sử dụng các dữ liệu hộ tịch đó trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đạt hiệu quả trong quản lý nhà nước về hộ tịch nói chung và nuôi con nuôi nói riêng; Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi qua đó phát hiện ra những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong công tác nuôi con nuôi của các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng giải quyết hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.

Phòng Tư pháp thành phố