Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020

18/09/2020 16:11    418

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 21), BTV Thành ủy đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng như: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, viết các tin, bài tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, trang tin điện tử, tuyên truyền lưu động, trực quan, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội nghị… nhằm phổ biến kịp thời các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách về BHXH, BHYT đến các tầng lớp nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT ngày càng chặt chẽ hơn. Trong đó, đã rà soát, quản lý, nắm chắc đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT từ cơ sở, đặc biệt chú ý rà soát các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi để cấp thẻ BHYT kịp thời, tránh trùng lặp, sai sót, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng; đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện thuộc hộ nông nghiệp và các đối tượng khác theo quy định. Đến nay, tỷ lệ lao động trên địa bàn tham gia BHYT đạt 93,2 %; tham gia BHXH bắt buộc 105.499 người (tăng hơn 47,28% so với năm 2013); tham gia BHXH tự nguyện là 8.766 người (tăng hơn 146%); tham gia BHTN là là 93.772 người (tăng 66,04% so với năm 2013). Số thu BHXH, BHXY, BHTN hàng năm đạt và vượt kế hoạch của Bảo hiểm xã hội tỉnh giao. Công tác chi trả các chế độ BHXH từ năm 2013 đến nay hơn 2.560 tỷ đồng (trong đó, chi chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp là hơn 100 tỷ đồng); chi khám chữa bệnh BHYT hơn 330 tỷ đồng; so với tổng kinh phí phân bổ theo số thẻ, kết dư quỹ khám chữa bệnh từ nguồn kinh phí khám chữa bệnh là 73 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra cũng được quan tâm thực hiện tốt. Trong đó, đã phối hợp kiểm tra liên ngành tại 276 doanh nghiệp; kiểm tra công tác quản lý đối tượng và chi trả các chế độ BHXH tại 23 điểm chi trả xã, phường; kiểm tra, giám định ngược chi phí khám chữa bệnh BHYT tại 23 Trạm y tế xã, phường. Tiến hành khởi kiện 44 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN và thu hồi 1,863 tỷ đồng. Các cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ thành phố đến xã, phường được đầu tư nâng cấp, 100% trạm y tế có Bác sĩ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đã đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Tuy nhiên, trong quả trình thực hiện Nghị quyết 21 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc nợ đọng BHXH, BHYT còn xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH…

Để việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21 trong thời gian đến đạt kết quả, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 15/4/2013 của BTV Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 21. Đồng thời, nhân cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT; xác định công tác BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhận thức đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách chế độ về BHXH, BHYT.

Ba là, các cấp, các ngành phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về BHXH, BHYT cho các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ cận nghèo, học sinh. Triển khai thực hiện tốt các loại hình bảo hiểm mới theo quy định của Nhà nước phù hợp với nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, phải tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, nắm chắc các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH, BHYT để có biện pháp khai thác mở rộng đối tượng; chủ động, phối hợp với các phòng, ban, Mặt trận và các đoàn thể thành phố và xã, phường vận động đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH, BHYT tự nguyện.

Bốn là, chủ động, phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong công tác khám chữa bệnh cũng như ngăn chặn các hành vi lạm dụng và trục lợi BHYT; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các cơ quan, đơn vị và xử lý nghiêm đối với các hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT.

Năm là, kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT theo cơ chế 01 cửa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm nghiệp vụ giải quyết nhanh chóng, chính xác đảm bảo quyền lợi của đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Trung Tiến