Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

LAN TỎA TÌNH THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM VÌ NẠN NHÂN DA CAM

10/08/2022 12:29    274

Ngày 10/8/1961 ghi dấu việc Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam, một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến. Và hậu quả của việc nó mang lại vô cùng khốc liệt đó là sự hủy diệt môi trường và sự sống của con người.

Chiến tranh lùi xa, nhưng nỗi đau da cam còn đó. Những cảm thông sâu sắc cũng như những hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài thành phố Quảng Ngãi dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã và đang là những nghĩa cử cao đẹp và rất đáng trân trọng. Và đây là sự lan tỏa tình thương và trách nhiệm, vì nạn nhân da cam, là sự nhiệt huyết, tận tâm của những người làm công tác da cam/dioxin ở thành phố Quảng Ngãi.

Những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố luôn đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Đặc biệt là chú trọng quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Các cấp hội ở thành phố tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc để nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh thành phố rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cũng đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam/dioxin; phấn đấu đạt mục tiêu 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm được hưởng chính sách ưu đãi…

Thành phố Quảng Ngãi không phải là địa bàn bị rải chất độc hóa học, nhưng là trung tâm tỉnh lỵ, nơi tập trung số đông người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước về công tác và nghỉ hưu nên nạn nhân chất độc da cam tăng lên. Đại hội lần thứ I vào tháng 12 năm 2006 thành phố có 120 nạn nhân da cam và đến thời điểm này số nạn nhân chất độc da cam tăng lên 1.278  người đang được hưởng chế độ theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đối với nạn nhân thế hệ thứ 3 có 1.202 cháu, trong đó có 998 cháu hưởng trở cấp xã hội theo Nghị định 136 của chính phủ.

Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành ngân sách để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng xông hơi tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Đồng hành với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tri ân, động viên, giúp đỡ người nhiễm chất độc màu da cam/dioxin còn có sự tham gia của nhiều đoàn thể, tổ chức thiện nguyện. Từ năm 2016 đến nay, hội đã tích cực vận động các tấm lòng hảo tâm, các cơ quan đơn vị hỗ trợ trên 1,7 tỷ đồng vào quỹ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố. Từ nguồn quỹ này, hội đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 ngôi nhà mới, sửa chữa 2 nhà cho các nạn nhân da cam, thăm hỏi, tặng quà tết, cấp học bổng cho con nạn nhân vượt khó học giỏi.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống "Thương người như thể thương thân". Kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam “Nỗi đau da cam - Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại”. Trong mỗi chúng ta cần tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam; động viên, khích lệ các nạn nhân và thân nhân vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống; Tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội… giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân gặp khó khăn, hoạn nạn.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Văn Đạo