Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Cảnh giác với các loại tội phạm

24/01/2022 15:29    312

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tình hình tội phạm dự báo sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là loại tội phạm xâm phạm tài sản của người dân, nhân dân cần phòng, ngừa cảnh giác.

Các đối tượng lợi dụng thời gian gần tết người dân đi mua sắm ở các chợ, siêu thị; thời gian tết tham gia các lễ hội tín ngưỡng, vui chơi giải trí; tại nhà ga người dân về quê ăn tết, các đối tượng lợi dụng đông người trà trộn giả làm người đi mua sắm, người tham gia các lễ hội … quan sát người dân có mang theo túi xách, bọc điện thoại ở túi áo khoác, túi quần rồi tìm cách tiếp cận, chen lấn rồi thực hiện hành vi móc điện thoại, tiền trong túi quần áo và túi xách rồi nhanh chóng tẩu thoát. Tình trạng người dân đi mua sắm tại các chợ trong dịp gần tết, không gửi xe mà để xe máy trên vỉa hè, không khóa cổ, đối tượng lợi dụng lúc đông người thực hiện hành vi bẻ khóa xe lấy trộm.

Ngoài ra người dân cần cảnh giác với thủ đoạn “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng, cụ thể: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua việc vay tiền trên các App ứng dụng trên mạng xã hội: Thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook … các đối tượng sử dụng các app vay tiền như: App SP CREDIT .... với lời mời “Vay không cần thế chấp, giải ngân nhanh, lãi suất thấp” để dụ dỗ người dân vay tiền. Khi người dân đồng ý vay tiền, đối tượng hướng dẫn làm hợp đồng vay, trong quá trình thực hiện hợp đồng vay và giải ngân thì được báo lỗi tài khoản ngân hàng, sau đó đối tượng tự xưng là nhân viên, hướng dẫn làm thủ tục và đóng phí để khôi phục tài khoản để nhận tiền vay và yêu cầu người vay chuyển tiền vào các số tài khoản mà nhân viên cho vay yêu cầu. Người vay mắc lừa và chuyển khoản nhiều lần vượt hơn số tiền cần vay nhưng người vay không nhận được số tiền cần vay.

“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng phương thức, thủ đoạn khác được các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, đó là: Đối tượng chiếm quyền sử dụng zalo, facebook sau đó giả là người thân nhắn tin vay tiền, nhờ nạp thẻ điện thoại; giả danh công an, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án… gọi điện thông báo đang bị điều tra liên quan đến vụ án ma túy, buôn lậu… yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, yêu cầu nộp một khoản tiền lớn để phục vụ điều tra, người bị hại sợ liên quan đến pháp luật nên chuyển vào tài khoản của đối tượng. Hay như: Đối tượng sử dụng Facebook đăng bài viết “Rút hồ sơ gốc của xe ô tô không chính chủ”, người dân có nhu cầu thì đối tượng hướng dẫn thủ tục rồi chụp hình gửi qua Zalo cho đối tượng, đối tượng nói phí và yêu cầu chuyển một phần tiền phí, người bị hại tin nên chuyển tiền cho đối tượng rồi đối tượng cắt liên lạc. Với những chiêu trò trên có rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi “sập bẫy” và chuyển số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng.

Để nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, Công an thành phố Quảng Ngãi đã xây dựng nội dung phát trên loa, cứ 5 phút/lần tại 23 chợ xã, phường và chợ tỉnh Quảng Ngãi trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi. Anh Nguyễn Tấn Phúc, Trưởng Ban quản lý chợ Gò Quán, phường chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi chia sẻ: “Bắt đầu từ năm giờ sáng hàng ngày, chúng tôi bắt đầu phát trên loa, tuyên truyền cảnh giác với hoạt động của các loại tội phạm để bà con tiểu thương và người dân đi chợ kịp thời nắm bắt, tự bảo vệ tài sản của mình. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên các loại tội phạm như: móc túi, tín dụng đen đã kiềm chế hẳn”. Tại chợ Hàng Rượu, phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, người dân đã chủ động phát giác và gỡ bỏ các tờ rơi cho vay nặng lãi (tín dụng đen) dán trên các vách tường, cửa ngõ ra vào chợ. Chị Ngô Thị Thúy Lan, tiểu thương tại chợ cho biết: “Rất là nhiều thủ đoạn của tội phạm lợi dụng hoạt động vào dịp cuối năm, nhờ Ban quản lý chợ phát trên loa cảnh báo thường xuyên nên bà con cũng dần nhận thức được. Bản thân, cùng bà con ở đây cũng rất cảnh giác, tự gỡ bỏ nhiều tờ rơi cho vay nặng lãi, đồng thời báo ngay Ban quản lý chợ xử lý”./.

Trần Văn Nam