Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CÔNG DÂN

29/08/2024 15:27    256

TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CÔNG DÂN (Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở)

I. Tình huống 1:

Chị Hoa là trưởng thôn X, xã B, sắp đến chị sẽ triệu tập và chủ trì tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư tại thôn X, trong cuộc họp này chị được phân công tuyên truyền một số quy định về quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Chị muốn biết pháp luật hiện hành quy định như thế nào về nội dung này?

Trả lời:

Điều 5 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định: Quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm 4 nội dung sau:

1. Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

2. Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

4. Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

II. Tình huống 2:

Tại cuộc họp cộng đồng dân cư vừa qua của Tổ dân phố nơi tôi đang sinh sống, đồng chí Tổ trưởng Tổ dân phố đã thông tin một số quy định về chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do HĐND tỉnh ban hành. Tôi muốn biết, ngoài việc được thông tin đầy đủ, kịp thời quy định trên, công dân còn được thụ hưởng những quyền gì?

Trả lời:

Điều 7 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định Quyền thụ hưởng của công dân như sau:

1. Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.

3. Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.

4. Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.

III. Tình huống 3:

Tại cuộc họp lấy ý kiến của các hộ gia đình để thông qua Quy ước ở thôn, do có rất nhiều ý kiến góp ý nhưng ngại tổng hợp và muốn làm cho xong các bước xây dựng Quy ước để trình lên UBND xã công nhận cho kịp thời hạn, chú Mẫn – Trưởng thôn – chủ trì cuộc họp đã chỉ đạo chị Lan – thư ký cuộc họp không tổng hợp một số ý kiến tham gia của các hộ dân và chỉnh sửa kết quả biểu quyết thông qua Quy ước của thôn; chị Lan đã làm theo chỉ đạo của chú Mẫn. Chị Lan hỏi, hành vi này có bị pháp luật nghiêm cấm không?

Trả lời:

Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở:

1. Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

5. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.

Như vậy, hành vi của chú Mẫn và chị Lan thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (khoản 5 Điều 9 nêu trên).

IV. Tình huống 4:

Trong thời gian ngồi chờ nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; anh Hưng truy cập vào Trang thông tin điện tử của phường N, anh thấy chỉ có vài thông tin được đăng tải lên Trang này, anh hỏi công chức phụ trách thì được trả lời: đa số thông tin được niêm yết tại Trụ sở chính quyền của phường N rất ít trường hợp đăng tải lên Trang thông tin điện tử của phường. Anh Hưng cho rằng như vậy là chưa đúng quy định. Hỏi nhận định của anh Hưng đúng hay sai?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 13 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, tại nơi đã thiết lập trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng tải trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã thông tin sau:

Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai các nội dung sau đây:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ph­ương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện;

2. Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có);

3. Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch chung được lập cho thị trấn, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi thị trấn;

4. Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã;

5. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp;

6. Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã;

7. Chủ trư­ơng, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác được tổ chức triển khai trên địa bàn cấp xã;

8. Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã;

9. Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã;

10. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã;

11. Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, nội dung lấy ý kiến, kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những nội dung chính quyền địa phương cấp xã đưa ra lấy ý kiến Nhân dân quy định tại Điều 25 của Luật này;

12. Đối tư­ợng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thu;

13. Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện;

14. Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Như vậy, việc thực hiện niêm yết tại Trụ sở chính quyền của phường N và đăng tải chỉ vài thông tin lên Trang Thông tin điện tử của phường là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; do đó, nhận định của anh Hưng là đúng.

V. Tình huống 5:

Qua theo dõi, cháu Kính là công dân xã N nhận thấy danh sách công dân được gọi nhập ngũ năm 2024 được đọc trên hệ thống truyền thanh của xã N liên tục đã hơn 4 ngày; cháu thắc mắc có cần thiết phải đọc liên tục như vậy không?

 Trả lời:

Khoản 3 Điều 13 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định “3. Thông tin quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 11 của Luật này được công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã (nếu có) trong thời hạn ít nhất là 03 ngày liên tục và khoản 9 Điều 11 Luật này quy định “9. Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã”.

Như vậy, việc công khai danh sách công dân được gọi nhập ngũ năm 2024 trên hệ thống truyền thanh của xã N liên tục đã hơn 4 ngày là theo quy định của pháp luật.

VI. Tình huống 6:

Cô Kim là cán bộ hưu trí chuyển từ thành phố Q về sinh sống hơn một năm nay tại tổ dân phố 1, thuộc phường T; nhà cô ở gần điểm sinh hoạt tổ dân phố, cô quan sát hơn một năm nay, không thấy UBND phường T thực hiện niêm yết số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường định kỳ theo quý, 06 tháng, năm; khi trao đổi với Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ trưởng cho biết thông tin về số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường định kỳ theo quý, 06 tháng, năm chỉ được niêm yết tại trụ sở UBND phường, chưa thấy niêm yết ở Tổ dân phố bao giờ và không biết như vậy có đúng quy định của pháp luật không, cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm niêm yết thông tin này, niêm yết ở đâu và trong thời hạn bao lâu?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 13 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định: “2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông tin quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 11 của Luật này tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, tại nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố. Thời gian niêm yết thông tin ít nhất là 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác., khoản 2 Điều 11 Luật này quy định “2. Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có)”.

Như vậy, UBND phường T phải có trách nhiệm niêm yết thông tin về số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường T định kỳ theo quý, 06 tháng, năm tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường, tại các điểm sinh hoạt cộng đồng ở tổ dân phố. Thời gian niêm yết thông tin ít nhất là 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; việc UBND phường T chỉ thực hiện niêm yết thông tin này tại UBND phường là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

VII. Tình huống 7:

Thôn X đang khuyết Trưởng thôn và vừa nhận được thông báo về việc ba ngày nữa đi bầu Trưởng thôn, bà con nhân dân trong Thôn đều rất bất ngờ vì chưa được thông báo những thông tin nào khác liên quan đến việc bầu Trưởng thôn; hỏi theo quy định của pháp luật những thông tin liên quan đến việc bầu Trưởng thôn có thông báo đến nhân dân trong thôn không?

Trả lời:

Điều 6 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định “Công tác chuẩn bị bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm

a) Ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

b) Ban hành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Tổ bầu cử gồm: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố (không phải là người ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố).

Các quyết định phải được thông báo đến Nhân dân ở thôn, tổ dân phố, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố và thông báo trên hệ thống truyền thanh hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện của địa phương chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu cử.”

Như vậy, trước khi tiến hành bầu Trưởng thôn, quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn, quyết định thành lập Tổ bầu cử phải được thông báo đến Nhân dân ở thôn, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn và thông báo trên hệ thống truyền thanh hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện của địa phương chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu cử.

VIII. Tình huống 8:

Thôn của chị Nguyệt đang xây dựng tuyến đường bê tông nông thôn, tuy nhiên chị và đa số người dân trong thôn vẫn chưa thấy tổ chức họp thôn để bầu Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát công trình này. Chị Nguyệt hỏi việc bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có được nhân dân bàn, quyết định không?

Trả lời:

Điểu 15 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định, gồm:

1. Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.

2. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

3. Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

4. Bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

5. Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

6. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

Như vậy, việc bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thuộc một trong những nội dung được nhân dân bàn và quyết định (khoản 5).

XIX. Tình huống 9:

Quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của thành phố Y vừa được công khai trên Trang thông tin điện tử thành phố Y. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng quyết định này chưa có sự tham gia ý kiến của nhân dân trên địa bàn thành phố là không đúng quy định. Ý kiến này đúng hay sai?

Trả lời:

Điểu 25 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, gồm:

1. Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; ph­ương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của cấp xã.

2. Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

3. Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.

4. Dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, ghép cụm dân cư.

5. Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.

6. Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.

7. Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).

8. Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.

9. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật, quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần lấy ý kiến.

Như vậy, dự thảo quy hoạch sử dụng đất của thành phố Y phải được nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; trường hợp chưa được nhân dân tham gia ý kiến nhưng đã phê duyệt là không đúng quy định.

X. Tình huống 10:

Chị Nguyên vừa được tuyển dụng vào vị trí kế toán của Trung tâm y tế huyện A, khi thấy chị Nguyên đi làm thì đa số cán bộ, công nhân viên trong Trung tâm mới biết vừa rồi Trung tâm đang thiếu kế toán và Giám đốc Trung tâm muốn tạo điều kiện cho chị Nguyên (người thân trong họ hàng Giám đốc) vào làm việc nên không công khai thông tin tuyển dụng này. Hỏi việc tuyển dụng Kế toán của Trung tâm Y tế huyện A có thuộc trường hợp phải công khai theo quy định không? 

Trả lời:

Điều 46 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023 quy định Những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai:

Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị các nội dung sau đây:

1. Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị;

2. Kế hoạch công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng của cơ quan, đơn vị;

3. Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định và các nguồn tài chính khác; tình hình thực hiện dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có);

4. Tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng;

5. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kế hoạch, chương trình đầu tư công của cơ quan, đơn vị, vốn bố trí theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công cho từng dự án; tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; quyết toán vốn đầu tư công;

6. Việc tuyển dụng, tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, quy hoạch, chuyển đổi vị trí công tác; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, chấm dứt hợp đồng làm việc; đi công tác nước ngoài; giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị;

7. Kết luận của cấp có thẩm quyền về vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật;

8. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong nội bộ cơ quan, đơn vị;

9. Nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị;

10. Kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến quy định tại Điều 53 của Luật này;

11. Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị;

12. Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị.

Như vậy, việc tuyển dụng kế toán vào làm việc tại Trung tâm Y tế huyện A phải được Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A công khai (khoản 6).

 XI. Tình huống 11:

Anh Viên là công chức Văn phòng – Thống kê UBND phường Z, anh vừa được giao nhiệm vụ mới: tham mưu thực hiện cải cách hành chính và lĩnh vực nội vụ, trong đó có nhiệm vụ niêm yết các thông tin tại Trụ sở HĐND, UBND phường Z, anh muốn tìm hiểu theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 những thông tin nào phải được niêm yết thường xuyên tại trụ sở HĐND, UBND cấp xã?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, những thông tin sau đây phải được niêm yết thường xuyên tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và được cập nhật khi có sự thay đổi:

1. Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.

2. Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện.

Lưu ý: Danh sách các nội dung đã được thực hiện công khai kèm theo hình thức, thời gian thực hiện được lập, cập nhật theo từng quý và niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND cấp xã, tại nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố.

XI. Tình huống 12:

Bác Luận và bác Nga, tranh luận về các hình thức nhân dân bàn và quyết định, bác Luận cho rằng chỉ có 2 hình thức truyền thống là tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư và phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình; bác Nga cho rằng hiện nay đã có thêm hình thức biểu quyết trực tuyến? Hỏi, bác nào đúng?

Trả lời:

          Khoản 1 Điều 17 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định “Tùy theo nội dung được đề xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức để Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư;

b) Phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình;

c) Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn”.

Như vậy, ngoài việc kế thừa 02 hình thức nhân dân bàn và quyết định trong Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã bổ sung thêm hình thức: biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn; do đó Bác Nga đúng.

XI. Tình huống 13:

Vợ chồng anh Tỉnh, chị Cam và một số hộ gia đình trong tổ dân phố do thường xuyên đi công tác và tính chất công việc mưu sinh nên không có điều kiện tham gia ý kiến những công việc của nhân dân có ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong đợt sinh hoạt tổ dân phố gần đây có lãnh đạo UBND phường tham dự, chị Cam nêu ý kiến nếu được UBND phường nên tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến thông qua mạng xã hội? Mọi người trong tổ dân phố phân vân không biết theo quy định pháp luật nhân dân có được tham gia ý kiến thông qua mạng xã hội không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 26 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định 1. Các hình thức lấy ý kiến Nhân dân bao gồm:

a) Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân;

b) Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư;

c) Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình;

d) Thông qua hòm thư­ góp ý, đường dây nóng (nếu có);

đ) Thông qua Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở;

e) Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã;

g) Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố;

h) Tổ chức đối thoại, lấy ý kiến công dân là đối tượng thi hành đối với nội dung quy định tại khoản 8 Điều 25 của Luật này.

Như vậy, nhân dân có thể tham gia ý kiến thông qua mạng xã hội (điểm g khoản 1 Điều 26 nêu trên). Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 26 Luật này thì tùy theo nội dung, tính chất, yêu cầu của việc lấy ý kiến Nhân dân, khả năng, điều kiện đáp ứng thực tế của địa phương và phù hợp với quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định lựa chọn một hoặc một số hình thức quy định tại khoản 1 Điều này để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Trường hợp pháp luật có quy định về việc áp dụng hình thức, cách thức tổ chức cụ thể để lấy ý kiến của Nhân dân về nội dung nhất định thì việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của Nhân dân thực hiện theo quy định đó.

XI. Tình huống 14:

          Năm 2023, UBND xã G chỉ tổ chức 01 hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn xã, Anh Quảng, công dân thuộc xã G ý kiến rằng số lượng hội nghị như vậy là chưa đúng quy định pháp luật, ít nhất mỗi năm 2 hội nghị (6 tháng và cuối năm); hỏi ý kiến của anh Quảng đúng hay sai?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 32 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương”; đồng thời, Điều 125 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân ở địa phương về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương; trường hợp quy mô đơn vị hành chính cấp xã quá lớn, có thể tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo từng cụm thôn, tổ dân phố. Ủy ban nhân dân phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức hội nghị” Như vậy, trong năm 2023, UBND xã G tổ chức 01 hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân trên địa bàn xã nêu trên là đúng quy định pháp luật.

XI. Tình huống 15:

Gia đình anh Ngọc, chị Thành có 3 mẹ con là bà Nhơn và 2 anh em (anh Ngọc, chị Thành), do bà Nhơn đau ốm nằm một chỗ, anh Ngọc, chị Thành thì không lanh lợi nên khi tổ chức các cuộc họp ở thôn, Trưởng thôn không gửi giấy mời cho hộ gia đình anh Ngọc, chị Thành. Chị Thành có ý kiến, gia đình chị thuộc thành phần tham dự cuộc họp của thôn nên phải có đại diện hộ gia đình tham dự các cuộc họp của thôn? Ý kiến của chị Thành đúng hay sai?

Trả lời:

Khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định “1... Thành phần tham dự cuộc họp của cộng đồng dân cư gồm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. 2. Đại diện hộ gia đình là ngưi có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có khả năng đại diện được cho các thành viên hộ gia đình; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì đại diện hộ gia đình là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử hoặc ủy nhiệm. Như vậy, đại diện hộ gia đình chị Thành là một trong những thành phần tham dự cuộc họp của thôn, ý kiến của chị Thành đúng.

Tài liệu đính kèm: 15 Tình huống về quyền công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.doc