Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

31/03/2022 16:29    1300

Tình huống 1: Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức xét xử lưu động

Xã A gần đây xảy ra nhiều vụ án lớn làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, vì vậy để kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con nhân dân xã A, Tòa án nhân dân thành phố X quyết định sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm lưu động vụ án hình sự đối với anh N (sinh năm 1980, thường trú tại xã A) phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, gia đình anh A phản đối vì cho rằng việc này làm ảnh hưởng đến danh dự của anh A và không được pháp luật quy định.

Trả lời:

Hoạt động xét xử là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được pháp luật quy định tại khoản 5 Điều 11 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 (Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật) “Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở”.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 16 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012  (Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo) cũng quy định “Tòa án nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân”.

Như vậy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con nhân dân xã A thông qua phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự đối với anh N nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố X thuộc một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và thuộc trách nhiệm của Tòa án nhân dân thành phố X đã được Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định.

Tình huống 2: Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật không được thành lập ở cấp xã

Chị Ngọc và anh Ngà là Tổ trưởng Tổ dân phố 1 và 2 thuộc phường C, thành phố Q; trong một buổi họp để chuẩn bị cho đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tại 02 tổ dân phố, chị Ngọc đề xuất mời đại diện của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật phường C tham dự nhưng anh Ngà thông tin là Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật không được thành lập ở cấp xã nên phường C không có Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, chị Ngọc vẫn chưa rõ vì theo chị Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thì ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều có, chị muốn biết văn bản nào quy định về việc thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012  (Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật) quy định:Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.”

Theo quy định trên thì Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật không được thành lập ở cấp xã nên phường C không thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin của ông Ngà là đúng.

Tình huống 3: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Vào ngày 09/11 những năm gần đây, Cô Nương ở thôn 1 xã A đều thấy một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã A treo các băng rôn có nội dung liên quan đến phổ biến, giáo dục pháp luật, có năm UBND xã A tổ chức hội nghị rất trang trọng, cô băn khoăn không biết ngày đó là ngày gì mà diễn ra nhiều hoạt động như vậy?

Trả lời:

- Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

“Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.”

- Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/04/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định Nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật như sau:

“1. Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung sau đây:

a) Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;

b) Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật;

c) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

d) Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật;

đ) Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

e) Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

2. Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức sau đây:

a) Mít tinh; hội thảo; tọa đàm;

b) Thi tìm hiểu pháp luật;

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm;

d) Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.”

- Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/04/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định Trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật

“a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật;

b) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức Ngày Pháp luật cho các hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.”

Như vậy, ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hằng năm, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn chuyên đề, nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật. Trên cơ sở đó các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện bằng những hình thức khác nhau phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tình huống 4: Trách nhiệm Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Q đang xem xét, giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tê liên quan đến quyết định thu hồi đất của gia đình bà. Trong quá trình giải quyết, bà Tê có yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Q giải thích, cung cấp các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc hoặc hướng dẫn bà tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Q đã từ chối với lý do vụ việc đang xem xét, giải quyết, khi có quyết định giải quyết khiếu nại thì tại quyết định giải quyết khiếu nại có viện dẫn các quy định pháp luật có liên quan và bà có thể lên mạng tìm kiếm các văn bản viện dẫn đó. Bà Nguyễn Thị Tê cho rằng việc từ chối này của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Q là không đúng nhưng chưa tìm được quy định của pháp luật quy định?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 15 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 (Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật) quy định:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang xem xét, giải quyết vụ việc của công dân có trách nhiệm giải thích, cung cấp các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật khi công dân đó có yêu cầu.”

Theo quy định trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Q đang xem xét, giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Tê và bà Tê đã có yêu cầu nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Q phải có trách nhiệm giải thích, cung cấp các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Tình huống 5: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp

Anh Đức là Chủ tịch Công đoàn của Công ty may mặc D, thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người lao động tại Công ty đã bị ảnh hưởng và công ty đã hỗ trợ tiền lương cho người lao động; tuy nhiên anh và mọi người trong Công ty không biết khoản hỗ trợ đó đúng không. Qua việc này, anh nhận thấy trình độ hiểu biết pháp luật liên quan đến lao động của người lao động tại Công ty còn rất nhiều hạn chế và anh dự định thời gian đến sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến lao động, việc làm, lương…cho người lao động tại Công ty nhưng còn phân vân pháp luật cho phép không, nếu có thì được tổ chức bằng những hình thức nào?

Trả lời

Điều 18 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp như sau:

“1. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tập trung vào quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động.

2. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp được chú trọng thực hiện thông qua việc phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, giỏ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp.

4. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm chủ trì vận động người lao động tìm hiểu, học tập pháp luật.”

Theo quy định trên, anh Đức có trách nhiệm chủ trì vận động người lao động tại Công ty tìm hiểu, học tập pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động thông qua việc phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại Công ty, tủ sách pháp luật, giỏ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Công ty.

Tình huống 6: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo

Anh Trần Văn K năm nay 20 tuổi, là người bị phạt tù đang được hưởng án treo; trong thời gian thử thách do một số quyền lợi của cá nhân bị hạn chế anh đã rất hối hận về việc làm của mình nên có khao khát được nâng cao hiểu biết về pháp luật nhưng chưa biết những đối tượng như anh có được phổ biến, giáo dục pháp luật không?

Trả lời:

Điều 22 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo như sau:

“1. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính.

2. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo được chú trọng thực hiện thông qua hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp; sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức phù hợp khác.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, cộng đồng dân cư và gia đình người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.”

Như vậy, theo quy định trên thì anh Trần Văn K là người bị phạt tù đang được hưởng án treo là đối tượng cần được phổ biến, giáo dục pháp luật. UBND xã nơi anh Trần Văn K sinh sống có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và gia đình anh K tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho anh các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính thông qua hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp; sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức phù hợp khác.

Tình huống 7: Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

Ông Vân là cán bộ hưu trí và là người có uy tín trong khu dân cư, ông vừa được bầu, công nhận làm Tuyên truyền viên pháp luật của xã. Thời gian qua, trong khu dân cư mà ông sinh sống phát sinh rất nhiều mâu thuẫn, tranh chấp mà theo ông nguyên nhân là do người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật; vì vậy ông dự định sắp tới sẽ đề nghị UBND xã tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để thu hút người dân tham gia tìm hiểu pháp luật, tuy nhiên ông chưa biết pháp luật quy định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là gì và có những hình thức phổ biến pháp luật nào để ông lựa chọn tổ chức cho phù hợp với tình hình thực tế của khu dân cư nơi ông sinh sống?

Trả lời:

- Điều 10 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

“1. Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

2. Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế.

3. Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.”

- Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

“1. Họp báo, thông cáo báo chí.

2. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

3. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.

4. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.

5. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.

6. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

7. Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

8. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.”

Tình huống 8: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bị bạo lực gia đình

Em Trinh là Bí thư Đoàn thanh niên xã B; thời gian vừa qua trên báo, mạng internet có rất nhiều thông tin về trẻ em bị người lớn bạo hành, đánh đập, là nạn nhân bạo lực gia đình. Để phòng ngừa tình trạng này tại xã B, đồng thời tạo điều kiện cho các em trên địa bàn xã tiếp cận, tìm hiểu quy định pháp luật, em Trinh muốn biết hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu được pháp luật quy định như thế nào trước khi xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này?

Trả lời:

Điều 19 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình như sau:

“1. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình tập trung vào các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

2. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình được chú trọng thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật miễn phí, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại nơi tạm lánh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận ở cơ sở có trách nhiệm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình; huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.

4. Gia đình có trách nhiệm giáo dục thành viên thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới.”

Tình huống 9: Đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử

Cháu Thanh đang là sinh viên của một trường Đại học Luật, để phục vụ cho việc học tập và cũng để nâng cao hiểu biết pháp luật của mình, cháu thường xuyên tìm hiểu các thông tin pháp luật trên các trang thông tin điện tử khác nhau, cháu thấy có rất nhiều trang thông tin điện tử của trung ương và các địa phương khác nhau và nhiều nội dung pháp luật trên các trang đó, tuy nhiên có những thông tin cháu cần nhưng không tìm thấy. Cháu Thanh muốn biết các thông tin pháp luật nào phải được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử?

Điều 13 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử như sau:

“1. Các thông tin pháp luật sau đây phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức;

b) Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan ban hành hoặc do cơ quan, tổ chức phối hợp ban hành;

c) Các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức;

d) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, khuyến khích các cơ quan, tổ chức đăng tải trên trang thông tin điện tử các thông tin khác về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật, hỏi - đáp pháp luật cần thiết cho người dân.”

Tình huống 10: Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc

Anh Dũng là Công an chính quy mới được bố trí công tác tại xã S. Qua theo dõi, anh Dũng thấy đa số thanh niên xã S là người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…vi phạm pháp luật là do chưa hiểu biết pháp luật. Anh đang tìm hiểu, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho những đối tượng này cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật những nội dung gì và bằng cách nào vì sắp tới anh muốn trực tiếp phổ biến, giáo dục cho những thanh niên này?

Trả lời:

Điều 21 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

“1. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, tùy theo từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội.

2. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được chú trọng thực hiện thông qua chương trình học pháp luật, giáo dục công dân và lồng ghép trong chương trình học văn hoá, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng; phổ biến thông tin thời sự, chính sách; sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và các hình thức phù hợp khác.

3. Giám thị trại giam, hiệu trưởng trường giáo dưỡng, giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc và giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.”

Như vậy, nếu anh Dũng muốn trực tiếp phổ biến, giáo dục cho những thanh niên xã S là người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…anh phải liên hệ với Giám thị trại giam, hiệu trưởng trường giáo dưỡng, giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc và giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc người đang quản lý những thanh niên này để phối hợp tổ chức; đồng thời anh cần lựa chọn các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội để tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng cụ thể./.

Phòng Tư pháp