Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

CHỦ ĐỀ: MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔI

04/11/2024 09:07    132

CHỦ ĐỀ: MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ NUÔI CON NUÔI

 

Tình huống 1: Ông Đỗ Thanh Nhân là cha dượng của cháu Nguyễn Thanh Ngọc, sinh năm 2008. Ông Nhân muốn biết hiện nay (năm 2024) cháu Ngọc đã đủ 16 tuổi thì ông Nhân có thể nhận cháu Ngọc làm con nuôi được hay không?

Trả lời:

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi

Trong trường hợp này, ông Nhân là cha dượng của cháu Ngọc, do đó, ông Nhân vẫn có thể nhận cháu Ngọc làm con nuôi theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 nêu trên.

Tình huống 2: Sau khi được biết thông tin về hoàn cảnh khó khăn của chị Phạm Thị M và con gái chị M là cháu Phạm Thị H (thường trú tại xã Đ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) qua mạng xã hội, vợ chồng chị Nguyễn Thị Khánh Ninh (thường trú tại phường C, thành phố QN, tỉnh QN) đã gặp gỡ và thống nhất với chị M về việc vợ chồng chị Ninh sẽ nhận cháu H làm con nuôi. Chị Ninh muốn biết, vợ chồng chị có thể đăng ký nuôi con nuôi tại UBND phường C, thành phố QN, tỉnh QN hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi như sau:

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi trong trường hợp của chị Nguyễn Thị Khánh Ninh bao gồm: UBND xã Đ, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai – nơi thường trú của cháu Phạm Thị H hoặc UBND phường C, thành phố QN, tỉnh QN- nơi thường trú của vợ chồng chị Ninh. Do đó, vợ chồng chị Ninh có thể đăng ký nuôi con nuôi tại UBND phường C, thành phố QN, tỉnh QN.

Tình huống 3: Chị Đinh Thị Nhàn, thường trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Qua một thời gian làm công tác thiện nguyện tại Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh QN (có trụ sở tại phường C, thành phố QN) chị Nhàn muốn nhận cháu bé Nguyễn Thanh Hương đang ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh QN làm con nuôi? Để thuận tiện đi lại, chị Nhàn muốn thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội có được hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi như sau:

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước

Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi) quy định:

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể sau đây:

1. Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi

Theo các quy định nêu trên, Chị Nhàn phải thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại UBND phường C, thành phố QN – nơi có trụ sở của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh QN.

Tình huống 4: Chị Nguyễn Thị Nga, thường trú tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sau khi chị Nga đăng ký kết hôn với anh Ju Inha có quốc tịch Hàn Quốc, anh Ju Inha muốn nhận cháu Nguyễn Trường Khoa - con trai riêng của chị Nga làm con nuôi. Chị Nga muốn biết gia đình chị có thể liên hệ đến UBND thị trấn Yên Viên để làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi giữa anh Inha và cháu Khoa được hay không?

Trả lời:

Khoản 5 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau: “Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài

Khoản 2 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Theo các quy định nêu trên thì UBND thị trấn Yên Viên không có thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi giữa anh Ju Inha và cháu Nguyễn Trường Khoa bởi vì đây là trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Chị Nga và anh Inha phải liên hệ tới Sở Tư pháp thành phố Hà Nội để thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Tình huống 5: Ông Đỗ Đình Văn và bà Lê Thị Lan hiện nay đã nghỉ hưu, ông bà có 01 người con trai là anh Đỗ Đình Chương. Vào tháng 8/2024, anh Chương và vợ ly hôn, Tòa án đã giao cho anh Chương quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con gái là cháu Đỗ Thị An. Anh Chương sẽ kết hôn với chị Trà vào cuối năm 2024, tuy nhiên chị Trà không muốn sống cùng với cháu Đỗ Thị An, do đó ông Đỗ Đình Văn và bà Lê Thị Lan dự định sẽ đón cháu An về chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận cháu làm con nuôi. Ông Văn và bà Lan muốn biết ông bà có thể thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi với cháu Đỗ Thị An hay không ?

Trả lời:

Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về các hành vi bị cấm như sau:

1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Việc ông, bà nhận cháu làm con nuôi là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, Đỗ Thị An là cháu nội của ông Đỗ Đình Văn và bà Lê Thị Lan, do đó ông Văn và bà Lan không thể thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi với cháu Đỗ Thị An.

Tình huống 6: Anh Hòa và chị Hảo đang sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Hiện nay anh chị muốn nhận cháu Đinh Thị Sửu làm con nuôi.  Anh Hòa, chị Hảo muốn biết cả hai anh chị có thể thực hiện đăng ký nuôi con nuôi với cháu Sửu hay không ?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Trong tình huống nêu trên, anh Hòa và chị Hảo đang sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, như vậy hai anh chị không phải là vợ chồng, do đó cháu Đinh Thị Sửu không thể làm con nuôi của cả hai anh chị Hòa và Hảo.

Tình huống 7: Chị Lê Ngọc Nữ sinh năm 2000, đang là sinh viên đại học, trong một chuyến đi tình nguyện lên Hà Giang, chị có gặp gỡ và biết đến hoàn cảnh khó khăn của em Vàng A Sủng sinh năm 2015. Chị Nữ rất đồng cảm và muốn nhận em Sủng làm con nuôi để chăm sóc, giúp đỡ em. Chị Nữ muốn biết điều kiện của người nhận con nuôi được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này

Theo quy định trên, một trong các điều kiện của người nhận con nuôi là phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, tuy nhiên, trong tình huống Chị Lê Ngọc Nữ sinh năm 2000, em Vàng A Sủng sinh năm 2015, chị Nữ hơn em Sủng 15 tuổi, không đáp ứng được điều kiện về độ tuổi được quy định đối với người nhận con nuôi.

Tình huống 8: Vợ chồng anh Thanh và chị Nhàn chung sống với nhau nhiều năm mà chưa có con. Gần đây anh chị biết được thông tin có 01 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn xã cần tìm gia đình thay thế. Anh Thanh và chị Nhàn muốn được nhận nuôi cháu bé đó. Vợ chồng anh Thanh muốn biết khi đăng ký nhận nuôi con nuôi thì hồ sơ của người nhận con nuôi và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi bao gồm những gì?

Trả lời:

* Về hồ sơ của người nhận con nuôi:

Theo quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì hồ sơ của người nhận con nuôi bao gồm:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 (khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau: “Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này”).

Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi  quy định:

Hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi. Trường hợp người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi và không cùng thường trú tại một địa bàn xã, thì việc xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi được thực hiện như sau:

1. Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.

2. Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú, thì công chức tư pháp – hộ tịch xác minh hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi

* Về hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:

Khoản 1 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:

a) Giấy khai sinh;

b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng

Tình huống 9: Sau khi nghe UBND xã X có thông báo về việc có 01 trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn xã, cần tìm người nhận con nuôi, vợ chồng anh Nam và chị Minh đã liên hệ tới UBND xã X để được hướng dẫn đăng ký việc nuôi con nuôi. Vợ chồng anh Nam muốn hỏi khi đăng ký nhận nuôi con nuôi thì hồ sơ của cháu bé bị bỏ rơi bao gồm những gì?

Trả lời:     

Khoản 1 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:

a) Giấy khai sinh;

b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng

Theo quy định trên hồ sơ trong thực hiện đăng ký nuôi con nuôi của trẻ em bị bỏ rơi bao gồm:

1. Giấy khai sinh;

2. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

3.  Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

4. Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.

Tình huống 10: Chị Nguyễn Thị Bình đang chuẩn bị hồ sơ để thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi tại UBND xã M. Chị Bình muốn biết theo quy định của pháp luật thời hạn UBND xã M giải quyết việc nuôi con nuôi là bao nhiêu ngày?

Trả lời:     

Khoản 2 Điều 19 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau: “Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ”, như vậy, thời hạn để UBND xã M giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND xã M nhận đủ hồ sơ hợp lệ của chị Bình.

Tình huống 11: Ông Jimy Nguyễn và vợ đều là người Việt Nam định cư tại nước ngoài. Qua một số thông tin tìm hiểu được về hoàn cảnh của một cháu bé mồ côi cha mẹ tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh QN, vợ chồng ông Jimy Nguyễn  muốn nhận cháu bé đó làm con nuôi. Ông Jimy Nguyễn muốn biết vợ chồng ông cần chuẩn bị những hồ sơ gì để thực hiện đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài?

Trả lời:     

* Điều 31 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

1. Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Đơn xin nhận con nuôi;

b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này (Khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây: a) Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi; b) Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; c) Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi; d) Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi; đ) Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm.)

2. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 điều này do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp"

* Điều 13 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định:

Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Nuôi con nuôi.

Khi nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, người nhận con nuôi đích danh theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Nuôi con nuôi phải nộp 01 bộ hồ sơ của người được nhận làm con nuôi và tùy từng trường hợp còn phải có giấy tờ tương ứng sau đây:

1. Bản sao giấy chứng nhận kết hôn của cha dượng hoặc mẹ kế với mẹ đẻ hoặc cha đẻ của người được nhận làm con nuôi.

2. Giấy tờ, tài liệu để chứng minh người nhận con nuôi là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi.

3. Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho người đó nhận con nuôi Việt Nam và giấy tờ, tài liệu để chứng minh người con nuôi đó với trẻ em được nhận làm con nuôi là anh, chị em ruột.

4. Giấy tờ, tài liệu để chứng minh trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ em thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này.

5. Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã, nơi cư trú tại Việt Nam và giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh người nhận con nuôi là người nước ngoài đang làm việc, học tập liên tục tại Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi

Theo quy định nêu trên, vợ chồng ông Jimy Nguyễn cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

4.  Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

5. Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

6. Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

7. Phiếu lý lịch tư pháp;

8. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

9. Nếu vợ chồng ông Jimy Nguyễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì phải nộp tài liệu chứng minh được nhận con nuôi đích danh và tùy từng trường hợp còn phải có giấy tờ tương ứng quy định tại Điều 13 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ nêu trên.

Tình huống 12: Khoảng 06 tháng trước, vợ chồng chị Trần Thị Oanh đã thực hiện xong thủ tục đăng ký nuôi con nuôi với cháu Hoàng Đình Trường tại UBND xã N (nơi vợ chồng chị đang thường trú). Khi thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, vợ chồng chị Trần Thị Oanh đã được UBND xã N phổ biến, thông tin về trách nhiệm của vợ chồng chị trong việc thông báo cho UBND xã N về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của cháu Hoàng Đình Trường với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây do bận công việc, đồng thời vợ chồng chị Oanh cho rằng việc thực hiện thông báo này là không cần thiết, do đó vợ chồng chị đã không thông báo cho UBND xã N về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của cháu Trường. Việc vợ chồng chị Oanh không thông báo cho UBND xã N về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi có đúng quy định của pháp luật hay không?

Trả lời:     

Điều 23 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

" 1. Sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi

Như vậy, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi. Việc vợ chồng chị Oanh không thông báo cho UBND xã N về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi là không đúng quy định của pháp luật.

Tình huống 13: Chị Đào Thị Liên đang chuẩn bị hồ sơ để đăng ký nuôi con nuôi với cháu Nguyễn Thị Mai (sinh năm 2021), chị Liên muốn biết sau khi thực hiện xong thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, chị có thể thay đổi họ của cháu Nguyễn Thị Mai sang họ Đào của chị hay không?

Trả lời:     

Khoản 1, khoản 2 Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó

* Khoản 2 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

"Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó"

Như vậy, sau khi thực hiện xong thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, chị Đào Thị Liên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi họ cho con nuôi từ Nguyễn Thị Mai thành Đào Thị Mai.

Tình huống 14: Anh Đỗ Văn Chương sinh năm 2001, là con nuôi của ông Phạm Văn Nhân và bà Đỗ Thị Chung, hiện nay anh Chương muốn chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa anh và ông Nhân, bà Chung. Anh Chương muốn biết pháp luật quy định như thế nào về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôitrong trường hợp chấm dứt nuôi con nuôi anh có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi hay không?

Trả lời:     

Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi như sau:

"Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này" (Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về các hành vi bị cấm như sau:“1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em. 2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi. 3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi. 4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số. 5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. 6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi. 7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”)

Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Nuôi con nuôi năm 2010:“Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi” thì sau khi chấm dứt việc nuôi con nuôi, anh Chương có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.

Tình huống 15: Gần đây cháu Nguyễn Anh Đào biết được mình là con nuôi của bà Nguyễn Thị Ly, cháu Đào đã hỏi bà Ly về nguồn gốc, cha mẹ đẻ của mình, tuy nhiên do lo sợ cháu Đào sẽ tìm về với cha mẹ đẻ nên bà Ly không nói cho cháu Đào biết và nghiêm cấm cháu không được tìm hiểu về cha mẹ đẻ của mình. Việc bà Ly nghiêm cấm cháu Đào không được tìm hiểu về nguồn gốc của cháu là đúng hay sai?

Trả lời:     

Điều 11 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định như sau:

1. Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước

Như vậy, việc bà Nguyễn Thị Ly nghiêm cấm cháu Đào không được tìm hiểu về nguồn gốc của cháu là không đúng quy định của pháp luật, cháu Đào có quyền được biết về nguồn gốc của mình, không ai được cản trở cháu Đào (con nuôi) được biết về nguồn gốc của mình./.

HẾT

Tài liệu đính kèm: 15 tình huống pl về nuôi con nuôi.docx