Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

CHỦ ĐỀ: MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH

02/05/2024 13:54    3096

  MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ HỘ TỊCH

 

Tình huống 1:

Anh Hoàng Văn Hưng có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, anh Hưng và vợ đang sinh sống và tạm trú tại phường Y, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Vợ anh Hưng mới sinh 01 bé trai, nhưng do anh và vợ không có đủ điều kiện về UBND xã X, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi để đăng ký khai sinh cho con. Anh Hưng có thể đăng ký khai sinh cho con tại UBND phường Y, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh được hay không?

Trả lời:

Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh”

Khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú

Anh Hưng đang tạm trú tại phường Y, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, do đó anh có thể đăng ký khai sinh cho con tại UBND phường Y, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh

Tình huống 2:

Chị Hoa thường trú tại xã X, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Anh Hiếu - chồng chị Hoa thường trú tại xã Y, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Khi con chị Hoa được 3 tháng tuổi thì vợ chồng chị xảy ra mâu thuẫn. Chị Hoa đem con về xã X, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi để sinh sống. Trước đó anh Hiếu đã đăng ký khai sinh cho cháu bé tại UBND xã Y, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, chị Hoa muốn tiếp tục đăng ký khai sinh cho con tại UBND xã X, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi có được hay không?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này. Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú

Chồng chị Hoa đã đăng ký khai sinh cho con của anh chị tại UBND xã Y, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh, do đó chị Hoa không thể tiếp tục đăng ký khai sinh cho con tại UBND xã X, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Tình huống 3:

Anh Bình đã có vợ là chị Kiều. Anh Bình có một đứa con riêng với chị An, anh Bình muốn làm thủ tục đăng ký nhận cha con với cháu bé, tuy nhiên do sợ chị Kiều biết chuyện nên anh Bình dự tính ủy quyền để chị An nộp hồ sơ nhận cha con, anh Bình không trực tiếp đến để thực hiện thủ tục nhận cha con có được hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 6 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc ủy quyền

Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: “Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại”.

Theo quy định trên, anh Bình phải trực tiếp thực hiện thủ tục nhận cha, con tại cơ quan đăng ký hộ tịch và không được ủy quyền cho người khác thực hiện.

Tình huống 4:

Chị Trần Bảo Quyên mới sinh được một bé trai, chị dự định khi đăng ký khai sinh sẽ xác định họ tên cho con (theo họ của chị) là Trần Đăng Khoa, quê quán của cháu (theo quê quán của chị) là xã B, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bà nội của cháu bé không đồng ý, bà nội cho rằng cháu bé chỉ được xác định theo họ của cha và quê quán của người cha. Chị Quyên muốn biết theo quy định của pháp luật chị có thể xác định họ và quê quán của con theo họ và quê quán của chị được hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:  “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán”.

Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh

Theo quy định của pháp luật, chị Quyên có thể đặt họ và quê quán của con theo họ và quê quán của chị

Tình huống 5:

Cháu Phạm Văn Chiến sinh năm 2009. Hiện nay, nhà trường yêu cầu cháu Chiến nộp bản sao giấy khai sinh để bổ sung hồ sơ thi trung học phổ thông. Cháu Chiến có thể trực tiếp yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện thủ tục cấp bản sao giấy khai sinh được hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi”

Khoản 3 Điều 6 Luật Hộ tịch quy định: “Người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu đăng ký hộ tịch hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thông qua người đại diện theo pháp luật”.

Cháu Phạm Văn Chiến, sinh năm 2009, hiện nay cháu chưa đủ 18 tuổi, do đó khi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch (trong đó có cấp bản sao giấy khai sinh) thì cháu Chiến phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của cháu

Tình huống 6:

Chị Nga muốn đề nghị UBND phường T, thành phố Quảng Ngãi cấp bản sao Trích lục kết hôn của bản thân chị nhưng chị đã quên mất số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn. Vậy chị Nga phải cung cấp những thông tin như thế nào để được cấp bản sao Trích lục kết hôn?

Trả lời:

Điều 7 Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến quy định: 

1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết gồm: tên giấy tờ hộ tịch; số, ngày, tháng, năm đăng ký, cơ quan đã đăng ký việc hộ tịch.

2. Trường hợp không cung cấp được đầy đủ các thông tin nêu tại Khoản 1 Điều này, thì người yêu cầu phải cung cấp được thông tin cơ bản trong giấy tờ hộ tịch đã đăng ký để có cơ sở tra cứu.

Ví dụ: - Đề nghị cấp bản sao Trích lục kết hôn nhưng không cung cấp được số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn thì phải cung cấp được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của vợ và chồng.

- Đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh nhưng không cung cấp được số Giấy khai sinh, ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh thì phải cung cấp được họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của người được khai sinh; họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của cha, mẹ người được khai sinh.

3. Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh không cung cấp đầy đủ hoặc cung cấp các thông tin không chính xác, không thể tra cứu được thông tin thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết”.

Trường hợp chị Nga không cung cấp được số Giấy chứng nhận kết hôn, ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn thì phải cung cấp được các thông tin về họ, chữ đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh của vợ và chồng khi đề nghị cấp bản sao Trích lục kết hôn.

Tình huống 07:

Anh Đặng Văn N cư trú tại xã K, huyện Nghĩa Hành muốn đăng ký nhận cha, con với cháu Nguyễn Đình C, cư trú tại phường M, thành phố Quảng Ngãi. Anh N và cháu C phải thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha, con tại UBND xã K, huyện Nghĩa Hành hay UBND phường M, thành phố Quảng Ngãi?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24 Luật Hộ tịch năm 2014: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con” thì anh N và cháu C có thể thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha, con tại UBND xã K, huyện Nghĩa Hành - nơi cư trú của anh N hoặc UBND phường M, thành phố Quảng Ngãi – nơi cư trú của cháu C.

Tình huống 08:

Anh Nguyễn Văn Quân đang chuẩn bị hồ sơ để thực hiện thủ tục nhận cha, con với cháu T. Theo tìm hiểu anh Quân phải nộp chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con. Anh Quân chưa biết phải chuẩn bị chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con giữa anh và cháu T là chứng cứ như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, con giữa anh Quân và cháu T gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.

2. Trường hợp không có Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con thì các bên nhận cha, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, con

Tình huống 09:

Ông Đỗ Hoàng Nhân muốn đăng ký nhận cha, con với cháu X. Hiện tại cháu X chưa được đăng ký khai sinh. Một số người nói với ông Nhân là phải thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu X trước rồi mới làm thủ tục đăng ký nhận cha, con. Ông Nhân băn khoăn không biết có thể đăng ký nhận cha, con kết hợp với việc đăng ký khai sinh cho cháu X được hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con…” thì việc đăng ký khai sinh cho cháu X có thể kết hợp với thủ tục đăng ký nhận cha, con giữa ông Nhân và cháu X, không bắt buộc phải thực hiện đăng ký khai sinh cho cháu X trước rồi mới làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

Tình huống 10:

Ông Đỗ Hoàng Nhân muốn thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con với cháu X. Ông Nhân muốn biết hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

 “Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này

Khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật”

Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định:

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con

Theo các quy định nêu trên, hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh theo quy định

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: (1) Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. (2) Trường hợp không có Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con

Tình huống 11:

Chị Ngô Thị Phương và anh Hoàng Bá Công chưa đăng ký kết hôn, chị Phương và anh Công dự định sau khi chị Phương sinh con thì anh chị sẽ đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, sau khi chị Phương sinh cháu Mai, do có mâu thuẫn nên anh Công đã bỏ đi. Chị Phương đã đăng ký khai sinh cho cháu bé, phần khai về người cha trong Giấy khai sinh được bỏ trống. Hiện nay, anh Công đã quay về chung sống và đăng ký kết hôn cùng chị Phương. Anh Công muốn bổ sung thông tin của anh vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh của cháu Mai mà không làm thủ tục nhận cha, con với cháu Mai được hay không?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con” .

Hiện nay anh Công và chị Phương đã đăng ký kết hôn, do đó anh và chị Phương có văn bản thừa nhận cháu Mai là con chung thì anh Công có thể thực hiện thủ tục bổ sung thông tin của anh vào phần thông tin về người cha trong Giấy khai sinh của cháu Mai mà không phải làm thủ tục nhận cha, con với cháu Mai.

Tình huống 12:

Chị Đinh Thị Ly thường trú tại phường P, thành phố Quảng Ngãi và tạm trú tại xã X, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Chị Ly có thể xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND xã X, huyện Củ Chi được hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Chị Đinh Thị Ly thường trú tại phường P, thành phố Quảng Ngãi, do đó chị Ly chỉ có thể thực hiện việc xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND phường P, thành phố Quảng Ngãi.

Tình huống 13:

Năm 2020, Anh Đinh Hùng thường trú tại xã S, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Từ năm 2023 đến nay, anh Hùng thường trú tại xã Q, thành phố Quảng Ngãi. Hiện nay, anh Hùng đến UBND xã Q, thành phố Quảng Ngãi đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, tuy nhiên UBND xã Q yêu cầu anh Hùng chứng minh về tình trạng hôn nhân của anh trong thời gian anh thường trú tại xã S, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Anh Hùng cho rằng việc UBND xã Q yêu cầu anh như vậy là vô lý, đang cố tình gây khó khăn cho anh. Trường hợp anh Hùng không thể chứng minh được tình trạng hôn nhân của anh trong thời gian anh thường trú tại xã S, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thì anh Hùng có được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hay không?

Trả lời:

Khoản 4 và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

 “4. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.

5. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều này

Theo quy định nêu trên, anh Hùng thuộc trường hợp đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, do đó anh Hùng có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Việc UBND xã Q yêu cầu anh Hùng chứng minh về tình trạng hôn nhân của anh trong thời gian anh thường trú tại xã S, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP

Trường hợp anh Hùng không thể chứng minh được tình trạng hôn nhân của anh trong thời gian anh thường trú tại xã S, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thì công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Q báo cáo Chủ tịch UBND xã Q có văn bản đề nghị UBND xã S, huyện Hải Hậu nơi anh Hùng đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của anh Hùng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND xã S, huyện Hải Hậu phải tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND xã Q về tình trạng hôn nhân của anh Hùng trong thời gian thường trú tại địa phương. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, UBND xã Q cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho anh Hùng theo quy định.

Tình huống 14:

Năm 2022, chị Phượng ly hôn với anh Ngôn. Đến năm 2023, sau khi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, chị Phượng quen biết với anh Ngữ. Tuy nhiên, chị Phượng không muốn anh Ngữ biết chuyện chị Phượng từng kết hôn và ly hôn, do đó khi làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, chị Phượng đã cố tình không cung cấp giấy tờ tài liệu liên quan tới việc kết hôn và ly hôn với anh Ngôn. Theo quy định của pháp luật chị Phượng có bắt buộc phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ về việc chị đã có chồng nhưng đã ly hôn hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng

Chị Phượng đã có chồng là anh Ngôn nhưng đã ly hôn, do vậy theo quy định trên chị Phượng phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ hợp lệ để chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.

Tình huống 15:

Anh Nguyễn Văn Hoài đang tìm hiểu và quen biết với 02 người phụ nữ là chị Nhung và chị Yến. Nhằm tạo sự tin tưởng của 02 chị, anh Hoài dự định sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp cho anh 02 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích đăng ký kết hôn để đưa cho chị Nhung và chị Yến mỗi người 01 giấy. Việc đề nghị cấp 02 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích đăng ký kết hôn của anh Hoài có đúng quy định pháp luật hay không?

Trả lời:

Theo khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (01) bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.

Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh Nguyễn Việt K, sinh năm 1962, công dân Việt Nam, Hộ chiếu số: B123456 do Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cấp ngày 01/02/2020; tại UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Giấy này được cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh KIM JONG DOEK, sinh năm 1970, quốc tịch Hàn Quốc, Hộ chiếu số HQ12345 do cơ quan có thẩm quyền Hàn Quốc cấp ngày 02/02/2020; tại cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc, tại Hàn Quốc

Như vậy, trong trường hợp anh Hoài yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp 01 bản cho anh, trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sẽ ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người mà anh Hoài dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn. Việc anh Hoài đề nghị cấp 02 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích để đăng ký kết hôn là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP.

Tình huống 16:

Chị Phan Thị Dung đang làm thủ tục vay vốn tại 02 ngân hàng. Cả 2 ngân hàng đều yêu cầu chị phải cung cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Chị Dung muốn biết chị có thể yêu cầu cấp nhiều bản giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục vay vốn ngân hàng hay không?

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu.

Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục mua bán nhà, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn

Theo quy định trên, trong trường hợp chị Dung yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích vay vốn tại ngân hàng, không phải để đăng ký kết hôn thì số lượng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu, do đó chị Dung có thể yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch cấp nhiều bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Tình huống 17:

Ông Huỳnh Công Thành cư trú tại phường N, thành phố Quảng Ngãi. Trên đường đi du lịch tại xã K, thành phố Quy Nhơn, ông Thành bị tai nạn giao thông và qua đời. Người thân thích của ông Thành phải thực hiện thủ tục đăng ký khai tử cho ông tại UBND phường N, thành phố Quảng Ngãi hay UBND xã K, thành phố Quy Nhơn?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 32 Luật Hộ tịch năm 2014: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử” thì UBND phường N, thành phố Quảng Ngãi – nơi cư trú cuối cùng của ông Thành thực hiện việc đăng ký khai tử cho ông Thành.

Tình huống 18:

Anh Đỗ Công Tuyên có cha là ông Đỗ Công Bình. Ông Bình đã chết cách đây 20 năm. Hiện nay, trong quá trình làm thủ tục về đất đai, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu anh Tuyên phải cung cấp Trích lục khai tử của ông Bình. Anh Tuyên rất lo lắng bởi vì ông Bình đã mất từ lâu và anh không còn giữ được Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế giấy báo tử của ông Bình. Anh Tuyên có thể làm thủ tục đăng ký khai tử cho ông Bình trong trường hợp này hay không?

Trả lời:

Điều 34 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

1. Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Điều 13 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

Việc đăng ký khai tử được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Luật hộ tịch và hướng dẫn sau đây:

1. Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.

2. Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.

Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;

b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;

c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;

d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;

đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử

Theo các quy định nêu trên, trường hợp anh Tuyên đăng ký khai tử cho cha anh là người chết đã lâu nhưng không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định thì để đăng ký khai tử cho ông Bình, anh Tuyên phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết của ông Bình. Trường hợp anh Tuyên không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết của ông Bình hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.

 

Tình huống 19:

Anh Chen Jingwen có quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan), anh cùng vợ sinh sống và làm việc tại Việt Nam được gần 1 tháng thì anh Chen Jingwen đột ngột chết tại nhà riêng. Vụ việc của anh đã có kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y, vậy khi làm thủ tục đăng ký khai tử cho anh Jingwen, vợ anh có phải nộp Giấy báo tử hay không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 52 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Người đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:

Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.

Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;

b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;

c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;

d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;

đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử

Theo quy định nêu trên, kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y đối với anh Chen Jingwen là giấy tờ thay Giấy báo tử, do đó vợ anh Chen Jingwen không phải nộp giấy báo tử khi đăng ký khai tử cho anh.

Tình huống 20:

Anh Hong Siwon quốc tịch Hàn Quốc sinh sống cùng vợ là chị Mai Thị Lam tại phường N, thành phố Y, tỉnh QN. Đầu năm 2024, anh Siwon mắc bệnh và qua đời. Chị Lam muốn biết chị phải tới cơ quan nào để đăng ký khai tử cho anh Siwon (trước khi chết, anh Siwon có đăng ký tạm trú tại phường N, thành phố Y, tỉnh QN)?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 51 Luật Hộ tịch năm 2014: “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử ” thì UBND thành phố Y, tỉnh QN là cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai tử cho anh Hong Siwon

Tình huống 21:

Bà Emily Trương có quốc tịch Hoa Kỳ, là mẹ của anh Đỗ Văn Bảo. Đầu năm 2024, bà Emily Trương về Việt Nam thăm anh Bảo và không may qua đời tại nhà của anh Bảo. Trước khi chết, bà Emily Trương có đăng ký tạm trú tại phường M, thành phố QN, tỉnh QN. Anh Bảo muốn biết cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký khai tử cho bà Emily Trương? Thủ tục đăng ký khai tử cho người nước ngoài được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

* Điều 51 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử ”. Do vậy,  UBND thành phố QN, tỉnh QN có thẩm quyền đăng ký khai tử cho bà Emily Trương.

* Theo quy định tại Điều 52 Luật Hộ tịch năm 2014 thì thủ tục đăng ký khai tử cho người nước ngoài được thực hiện như sau :

1. Người đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi khai tử ký vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục hộ tịch cho người đi khai tử.

Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.

3. Sau khi đăng ký khai tử, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục hộ tịch cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân.

Trường hợp người chết là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì công chức làm công tác hộ tịch khóa thông tin của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Tình huống 22:

Anh Nguyễn Quang Huy hiện nay 34 tuổi, anh phát hiện thông tin về năm sinh của cha anh trong Giấy khai sinh của bản thân anh bị sai so với thực tế. Do đó, anh Huy tới UBND xã K, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi là cơ quan đã cấp Giấy khai sinh cho anh trước đây để yêu cầu UBND xã K phải chỉnh sửa thông tin sai sót trong Giấy khai sinh của anh. Tuy nhiên, UBND xã K đã từ chối yêu cầu của anh Huy và hướng dẫn a liên hệ tới UBND thành phố Quảng Ngãi để thực hiện. Anh Huy muốn hỏi việc UBND xã K hướng dẫn anh tới UBND thành phố Quảng Ngãi để thực hiện chỉnh sửa thông tin sai sót trong Giấy khai sinh có đúng hay không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch

Khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.

Anh Nguyễn Quang Huy hiện nay 34 tuổi, theo các quy định trên, UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của anh Huy là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc cải chính Giấy khai sinh cho anh Huy. Việc UBND xã K hướng dẫn anh Huy tới UBND thành phố Quảng Ngãi để thực hiện chỉnh sửa thông tin sai sót trong Giấy khai sinh là đúng với quy định của pháp luật.

Tình huống 23:

Chị Nguyễn Thị Kim Khuê đã thực hiện đăng ký khai tử cho mẹ của chị là bà Hoàng Thị Huệ tại UBND xã B, thành phố QN. Tuy nhiên, sau đó chị Khuê phát hiện thông tin về năm sinh của bà Huệ trong Trích lục khai tử có sự sai sót. Để cải chính thông tin sai sót trong Trích lục khai tử nêu trên thì chị Khuê phải liên hệ tới cơ quan có thẩm quyền nào để được giải quyết?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Việc cải chính nội dung đăng ký khai tử thuộc thẩm quyền của cơ quan đã đăng ký khai tử, theo đề nghị của người có trách nhiệm đăng ký khai tử quy định tại Điều 33 Luật hộ tịch” thì chị Khuê phải liên hệ tới UBND xã B, thành phố QN để thực hiện cải chính nội dung đăng ký khai tử của bà Hoàng Thị Huệ

Tình huống 24

Anh Nguyễn Xấu Xí muốn thực hiện thủ tục thay đổi tên. Tuy nhiên, hiện nay anh Nguyễn Xấu Xí đã mất bản chính giấy khai sinh, vậy anh có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi tên được hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Trường hợp thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc nhưng người yêu cầu không còn bản chính giấy tờ hộ tịch hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch không còn lưu giữ được Sổ hộ tịch, thì cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn tiếp nhận, giải quyết theo quy định…” thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp nhận và giải quyết theo quy định việc thay đổi tên của anh Nguyễn Xấu Xí trong trường hợp anh không còn bản chính giấy khai sinh./.