Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Các cấp Hội phụ nữ thành phố chú trọng tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục công tác phòng, chống bạo lực gia đình

04/06/2022 21:29    519

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong hệ thống hội LHPN các cấp ở thành phố Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều phong trào, hoạt động của Hội LHPN từ thành phố đến cơ sở phát động đã được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng, đem lại những kết quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở thành phố.

Hội LHPN thành phố và xã, phường đã chủ động thực hiện việc lồng ghép các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn trợ giúp pháp lý với các hoạt động, phong trào của phụ nữ như: phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Đề án 938), hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, giảm nghèo bền vững… bằng các hình thức: tư vấn, hoà giải; nói chuyện chuyên đề pháp luật cho phụ nữ; tư vấn luật, tập huấn các văn bản Luật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em v.v...; đồng thời lồng ghép các nội dung này vào các buổi sinh hoạt chi hội và thường xuyên đi cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ, qua đó sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng của chị em phụ nữ được nâng cao, đặc biệt là nhận thức về Luật phòng chống bạo lực gia đình, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình có sự thay đổi tích cực, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội LHPN thành phố và một số xã phường đã tổ chức 05 lớp tuyên truyền, cập nhật kiến thức về xây dựng gia đình trong thời kỳ mới, về công tác trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn, có hơn 500 người dự; tổ chức 02 chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh, tư vấn, hướng dẫn kỹ năng khởi nghiệp cho hơn 90 cán bộ, hội viên phụ nữ tại phường Trần Phú và Chánh Lộ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc duy trì hoạt động một số mô hình như: CLB “Gia đình hạnh phúc”; CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”; CLB “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của Bạo lực trên cơ sở giới ”, Chi hội Không bạo lực gia đình, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật, CLB “Phòng, chống và tố giác tội phạm”, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng ở xã, phường đã góp phần nâng cao ý thức, cũng như trách nhiệm của mọi người trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các cấp Hội thành phố tích cực tham gia hòa giải, giải quyết các vụ việc liên quan đến mâu thuẫn gia đình ở địa phương góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân; tư vấn pháp luật cho hàng trăm lượt người về bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho phụ nữ, trẻ em.; thăm hỏi động viên các gia đình bị bạo lực. Cán bộ Hội tham gia đoàn Hội thẩm nhân dân thành phố, đã tham gia xét xử nhiều vụ việc, vụ án về hôn nhân gia đình, ly hôn tranh chấp quyền nuôi con...

Tuy nhiên việc tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội trong hệ thống Hội phụ nữ ở thành phố vẫn còn nhiều hạn chế; công tác tổ chức triển khai thực hiện chưa đem lại kết quả cao; tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Theo số liệu báo cáo của ngành liên quan quản lý về công tác gia đình, năm 2021 thành phố đã phát hiện 04 vụ việc bạo lực gia đình, chủ yếu là phụ nữ và bạo lực về thân thể, người gây bạo lực hầu hết là nam giới. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình vẫn còn một số khó khăn: số vụ bạo lực gia đình không được phát hiện do nạn nhân bị bạo lực không khai báo, đặc biệt là các vụ bạo lực về tinh thần, kinh tế; công tác phát hiện, hòa giải các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình được phát hiện đa số chỉ góp ý phê bình ở khu dân cư, giải quyết bằng tình cảm, không đủ sức răn đe; việc hỗ trợ, giúp nạn nhân bạo lực gia đình có việc chưa đạt yêu cầu.

Nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân (đặc biệt là người gây ra bạo lực và bị bạo lực) trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, về vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng chống bạo lực trong gia đình và phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình. Đồng thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, thời gian tới Hội LHPN thành phố sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, mặt trận đoàn thể địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình như: Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nghiên cứu đề xuất những giải pháp cụ thể kịp thời nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường sự phối hợp và cộng tác với các ban, ngành trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực và tiến bộ của phụ nữ, đẩy mạnh hiệu quả công tác thực hiện bình đẳng giới. Thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình các vụ bạo lực gia đình tại địa phương để ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ án nghiêm trọng; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; thường xuyên giám sát về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Phối hợp với các ngành chức năng ngăn chặn kịp thời, xử lý các hành vi bạo lực gia đình theo qui định của pháp luật; đồng thời bảo vệ, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng chống bạo lực gia đình tại xã, phường. Phối hợp tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày gia đình Việt Nam...

Việc phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của mọi gia đình và toàn xã hội, do đó cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể nhân dân từ thành phố đến cơ sở và việc tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện của các tầng lớp nhân dân, sẽ góp phần làm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố đạt kết quả tốt hơn trong thời gian đến.

HỮU KHÔI