Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TỪ NGÀY 01/01/2022

31/12/2021 14:29    536

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

I. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 25/2021/QĐ-TTG

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg gồm có 8 Điều (giảm 2 Điều so với Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg) và có những điểm mới so với Quyết định số 619/QĐ-TTg có một số điểm đáng chú ý sau:

1. Về tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu thành phần, cụ thể: Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn (02 chỉ tiêu); Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật (06 chỉ tiêu); Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý (03 chỉ tiêu); Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (05 chỉ tiêu); Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội (04 chỉ tiêu). Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 100 điểm.

So với Quyết định số 619/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đã giảm 05 tiêu chí, đồng thời các chỉ tiêu thành phần được chỉnh sửa theo hướng chú trọng tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ và chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc tiếp cận pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Về điều kiện công nhận xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

(2) Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

(3) Trong năm đánh giá không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg chỉ quy định: (1) tổng số điểm các tiêu chí đạt 80 điểm trở lên, không phân biệt xã loại I, loại II, loại III như Quyết định số 619/QĐ-TTg; (2) trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự không quy định trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra như Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Ngoài ra, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg cũng đã bỏ điều kiện về kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã được quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.

3. Về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg tăng thêm thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho cả cấp xã và cấp huyện, cụ thể:

Đối với cấp xã thời hạn tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá tức là tăng thêm 05 ngày so với thời hạn được quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá tức là tăng thêm 15 ngày so với thời hạn được quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Lưu ý: Việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận năm 2021 vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 619/QĐ-TTg.

II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 25/2021/QĐ-TTG

1. Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)

- Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg áp dụng đối với xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

2. Về nguyên tắc thực hiện (Điều 2 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)

- Lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật.

- Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

3. Về Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Điều 3 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)

3.1. Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn

a) Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;

b) Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

3.2. Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

b) Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;

c) Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;

đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

e) Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

3.3. Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý

a) Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

b) Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

c) Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

3.4. Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

a) Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;

b) Chỉ tiêu 2: Tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

c) Chỉ tiêu 3: Tổ chức để Nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

d) Chỉ tiêu 4: Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

đ) Chỉ tiêu 5: Tổ chức để Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

3.5. Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội

a) Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;

b) Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;

c) Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là 100 điểm.

4. Về điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên;

2. Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên;

3. Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)

5.1. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện hàng năm, tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá.

5.2. Ủy ban nhân dân cấp xã tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá.

5.3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định công nhận và công bố xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Cổng (hoặc Trang) thông tin điện tử của cấp huyện trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá.

5.4. Hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:

a) Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

b) Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu;

c) Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

d) Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có)./.

Phòng Tư pháp