Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Nguồn vốn từ chính sách: Giải pháp đắc lực cho giảm nghèo

20/09/2023 08:29    223

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân trên 4 tỷ đồng với 174 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm. Nâng tổng dư nợ các nguồn vốn trên 466 tỷ đồng, với 16.835 lượt hộ vay. Thực hiện chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đến ngày 31 tháng 8 năm 2023, Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân hơn 45 tỷ đồng, với 946 khách hàng vay. Trong đó, cho vay giải quyết việc 25 tỷ đồng, với 822 người lao động vay, cho vay nhà ở xã hội 18 tỷ đồng, với 53 khách hàng vay.

Mô hình kinh tế chăn nuôi của gia đình chị Phan Thị Thùy Linh ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng. Trước đây, gia đình chị Linh thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được sự giới thiệu và hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Hội LHPN xã, năm 2013, chị Linh tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Những năm đầu, chị Linh vay từ 20 - 30 triệu đồng mua cặp bò về nuôi để nhân giống. Nhờ sự cần cù, chịu khó nên chỉ sau một thời gian, bò đã sinh sản và đem lại thu nhập cho gia đình. Những năm qua, chị Linh luôn duy trì đàn bò từ 6 - 7 con.

Nhận thấy nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả, chị Linh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để cải tạo diện tích đất vườn thả nuôi gần 200 con gà theo phương pháp truyền thống và 100 con vịt xiêm. Nhờ đó, giá bán gà, vịt của chị Linh cao hơn nhiều so với nuôi theo hình thức công nghiệp. Với nguồn thu nhập từ chăn nuôi hơn 100 triệu đồng/năm, không chỉ giúp gia đình chị Linh trả nợ vốn vay cho ngân hàng, mà còn có tiền tích lũy. “Nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình tôi mới có thể đầu tư phát triển kinh tế, lo cho con ăn học và xây dựng nhà cửa”, chị Linh chia sẻ.

Mô hình trồng cây xương rồng cảnh của anh Nguyễn Minh Tuấn ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng. Đây là một trong những mô hình kinh tế mới trên địa bàn thành phố. Trong nhiều lần tìm hiểu trên mạng và tham quan các địa điểm trồng xương rồng ngoài tỉnh, anh Tuấn quyết định khởi nghiệp bằng nghề trồng xương rồng cảnh. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, vốn, thị trường tiêu thụ, nên anh Tuấn chỉ trồng vài chục chậu trong vườn nhà. Sau thời gian trồng thử nghiệm, anh Tuấn nhận thấy đây là mô hình có triển vọng, nên quyết định đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, anh lại gặp khó khăn về vốn đầu tư. Thông qua Tổ TK&VV của Đoàn xã Nghĩa Dõng, năm 2020, anh được Ngân hàng CSXH tỉnh giải ngân 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư trồng xương rồng cảnh. Có vốn, anh Tuấn xây dựng khu vườn có mái che, với diện tích 300m2, để trồng các loại xương rồng đang được thị trường ưa chuộng. Anh Tuấn vào tỉnh An Giang để mua những loại giống tốt nhất. Năm 2021, mặc dù nhiều mặt hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến ế ẩm, thua lỗ, nhưng xương rồng cảnh của anh Tuấn lại bán khá chạy. Đa số khách hàng đều đặt mua hàng qua mạng.  “Xương rồng cảnh có nhiều loại và giá trị cũng khác nhau. Có loại giá chỉ vài trăm nghìn đồng/cây, nhưng cũng có loại tới vài triệu đồng/cây. Vì vậy, nếu không có vốn, mạnh dạn đầu tư thì rất khó. “Cũng nhờ Ngân hàng CSXH cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình mới có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”, anh Tuấn chia sẻ.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội thành phố đã khắc phục khó khăn, tiếp tục phối hợp tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi và các tổ chức chính trị xã hội thành phố thường xuyên thông tin 2 chiều, trao đổi về những thay đổi trong quy trình nghiệp vụ, chủ trương, chính sách mới, những khó khăn, vướng mắc phát sinh... trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện để thống nhất chỉ đạo theo ngành dọc. Chỉ đạo các đơn vị cơ sở nắm bắt, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn các chương trình cho vay; phối hợp với tổ chức chính trị xã hội các cấp và các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời nguồn vốn thu hồi và vốn tăng trưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương và UBND thành phố giao; Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua buổi họp giao ban tại xã phường để tìm giải pháp khắc phục đối với các tổ xếp loại trung bình, yếu.

Hình ảnh: Mô hình vườn trồng rau díp cá ở xã Tịnh Châu

Trong quý II năm 2023, Ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội thành phố Quảng Ngãi tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Theo đó, các thành viên ban Đại diện hội đồng quản trị thành phố đã kiểm tra, giám sát 19/23 xã, phường; 38 lượt Hội đoàn thể xã, phường; 47 lượt Tổ TK&VV và kiểm tra đối chiếu trực tiếp 105 lượt hộ vay vốn.  Đối với thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND các xã, phường đã thực hiện kiểm tra, giám sát được 23/23 xã, phường, 71 lượt tổ TK&VV và kiểm tra đối chiếu trực tiếp được 255 lượt hộ vay. Trong quý III, Ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội thành phố dự kiến đến 31/7/2023 hoàn thành việc kiểm tra 100% số xã, phường; Các thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND cấp xã hoàn thành kiểm tra, giám sát trước ngày 31/10/2023; Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp hoàn thành công tác kiểm tra, giám sát trước ngày 30/11/2023.

Trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội và UBND 23 xã phường sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, tồn tại. Trong phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát của Tổ chức chính trị xã hội các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Rà soát các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để trình cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ Hội đoàn thể các cấp, Tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 11 của Chính phủ để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Tiếp tục duy trì thông tin 2 chiều giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với tổ chức chính trị xã hội các cấp để nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình hoạt động. Đặc biệt sẽ tăng cường sự phối hợp giữa ngân hàng với các sở, ngành liên quan, UBND các cấp, các tổ chức tổ chức chính trị xã hội, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, các Tổ tiết kiệm vay vốn nhằm thực hiện tốt tín dụng chính sách, đảm bảo công khai dân chủ từ khâu thông báo vốn đến khâu bình xét, giải ngân, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng an toàn và hiệu quả.

Văn Đạo