Truy cập nội dung luôn
UỶ BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI

Hiệu quả từ việc thành lập tổ hội nghề nghiệp

22/11/2021 08:22    673

Để hàng nông sản của bà con nông dân sản xuất được ổn định đầu ra kịp thời, Hội nông dân các xã vùng ven thành phố Quảng Ngãi đã thành lập tổ hội nghề nghiệp. Điển hình là Hội nông dân xã Tịnh Châu thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng rau diếp cá. Hội nông dân xã Nghĩa Hà thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng hoa. Đây cũng là hai cây trồng chủ lực của hai địa phương này, giúp hàng trăm hộ nông dân ở địa phương này thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Người trồng rau diếp cá tại thôn Kim Lộc xã Tịnh Châu cho biết, rau diếp cá được trồng từ rất lâu ở địa phương. Ban đầu chỉ vài hộ trồng, thấy hiệu quả kinh tế cao nhiều người đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng rau diếp cá. Rau diếp cá cho thu hoạch quanh năm và rất dễ trồng. Bà Huỳnh Thị Luận với thâm niên trên 10 năm trong nghề trồng rau diếp cá cho biết, trồng rau diếp cá rất ít sâu bệnh, từ tháng 8 đến tháng 10 mới xuất hiện một ít sâu ăn lá nhưng chỉ cần pha một ít thuốc bảo vệ thực vật vào nước, tưới là khỏi. Đây là một loại rau an toàn, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp... gia đình bà trồng trên 2 sào rau diếp cá, giá bán dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, có lúc lên tới 32.000 đồng/kg. Nhờ có diếp cá mà gia đình bà có khoản thu nhập ổn định hàng năm.

Nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội, đáp ứng với tình hình nhiệm vụ mới, tập hợp, thu hút đông đảo hội viên nông dân có cùng ngành nghề vào tổ chức hội để sinh hoạt và hoạt động; phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh liên kết sản xuất của tập thể, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội nông dân xã Tịnh Châu đã tổ chức lễ ra mắt tổ hội nông dân nghề nghiệp “Trồng rau diếp cá” tại thôn Kim Lộc xã Tịnh Châu với 23 thành viên là các hộ trồng rau diếp cá. Tổ hội nông dân nghề nghiệp “Trồng rau diếp cá” đảm bảo 5 tiêu chí gồm: Cùng lĩnh vực hoạt động, ngành nghề sản xuất, dịch vụ, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

Ông Phan Thành Nở ở thôn Bình Đông xã Nghĩa Hà có kinh nghiệm trồng hoa đã 20 năm, trên 3 sào đất nông nghiệp, hàng năm ông Nở trồng quanh năm hoa Cúc để bán tiêu thụ trong các dịp mùng một và ngày rằm. Trên 3 sào đất trồng hoa Cúc, sau gần 3 tháng trồng ông Nở thu vào từ 50 đến 70 triệu đồng. Riêng đối với hoa Lay ơn thì được ông trồng trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, ông Nở cho biết thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho hoa Lay ơn phát triển. Hiện nay, người dân trồng hoa ở thôn Bình Đông đều tự mình tìm kiếm nguồn tiêu thụ, vì vậy ông mong khi thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng hoa phải tìm nguồn tiêu thụ cho người dân, ông Nở mong muốn.

Ông Phạm Quốc Vương – Chủ tịch Hội nông dân thành phố Quảng Ngãi cho biết: Quy chế tổ chức và hoạt động của từng Tổ hội nghề nghiệp ở từng địa phương, các thành viên Tổ thường xuyên trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về quy trình sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây con, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay để từng hội viên trong tổ hội mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô sản xuất, chăn nuôi…

Để tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Quảng Ngãi tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tổ hội nghề nghiệp ra toàn thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chi, tổ được vay vốn để mở rộng các mô hình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng nhóm tổ liên kết “4 nhà” theo hình hướng chuỗi giá trị, để tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thiết thực trong việc phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho nông dân.

Văn Đạo